Tường thuật chuyến đi tìm mộ nhà bác học Hồ Nguyên Trừng
của nhóm lưu học sinh Bắc Đại, Bắc Ngữ.
30.11.2007
Hồ Nguyên Trừng (tức Lê Trừng) con vua Hồ Quý Ly, nhà bác học Việt Nam, người sáng chế ra súng thần công nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam và Trung Quốc. Khi nhà Minh xâm chiếm nước ta, có bắt ba cha con họ Hồ về Bắc Quốc, song vì Hồ Nguyên Trừng là bậc thông minh dĩnh tuệ, tài trí hơn người, nên vua Minh không những không trừng phạt mà còn cho làm Tả thị lang bộ Công (tương đương với chức thứ trưởng), rồi về sau lại thăng lên làm Thượng thư bộ Công (ngang với chức bộ trưởng ngày nay vậy). Hồ Nguyên Trừng vì nghịch cảnh mà gửi thân đất Bắc, nhưng lòng ông luôn đoái vọng trời Nam để rồi ngổn ngang tơ vò trăm mối. Như những đợt sóng lòng dồn dập, vỗ về theo những giấc mơ mòng, nỗi nhớ, niềm thương, và tất cả ký ức của ông già phương Nam ấy, cuối cùng đã chúng chú vào trong cuốn “Nam Ông mộng lục”, cũng là những dòng hoài niệm về cố quốc của vị bác học tài ba mà cuộc đời không kém phần dâu bể này.
Đoàn chúng tôi gồm Trần Quang Đức (Đại học Bắc Kinh), Nguyễn Trần Bảo Châu (Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh), Phó Đức Dương (Đại học Bắc Kinh), Nguyễn Tăng Nghị (Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh) và Trần Phước Sanh (Đại học Ngôn ngữ Bắc Kinh) cả thảy năm người.
30.11.2007 tức 21 tháng 10 âm.
Bắc Kinh -3 độ.
7h15 bắt đầu xuất phát từ trạm Thành Phủ lộ, chuyển bến ở Di Hoà Viên Bắc Cung Môn, và 1 tiếng rưỡi sau thì có mặt tại xã Bắc An Hà, cách Đại học Bắc Kinh 23km về phía tây bắc. Không quá lâu, chúng tôi tìm đến được thôn Nam An Hà, nơi tương truyền có mộ của cụ Hồ Nguyên Trừng và chùa Tú Phong cách ngày nay đã 600 năm có lẻ.
Cái rét se sắt đầu đông ở vùng ngoại ô khiến ai cũng co ro cúm rúm. Thoạt thấy sạp hàng của mấy chị nông thôn với cái má đỏ au điển hình của phụ nữ miền bắc Trung Quốc bày ra lũ lượt những quần, những áo, những mũ, những găng thì cả đoàn vội vã lao vào, mua thêm mỗi người một đôi tất để đi cho đỡ buốt. Thế mà lúc sau, dù ai nấy đều đã xỏ hai đôi, lại vẫn có đồng chí phải tìm túi nilon cuốn thêm vào chân cho bớt phần tê dại.
Lát sau gặp mấy cụ già, tôi liền lân la hỏi chuyện.Tôi hỏi các cụ rằng: người thôn này sau khi mất thì thường chôn nơi đâu, có nghĩa trang không; trong thôn có người họ Lê không, các cụ có nghe nói đến cái tên Lê Trừng hay mấy ngôi mộ cổ từ thời nhà Minh chưa? Cả mấy cụ đều trả lời rằng: người thôn này mất thì chôn cả trên núi, sườn phía tây chọn được chỗ nào thì chôn chỗ ấy, chẳng có nghĩa trang nào cả. Sống mấy chục năm rồi, dân bản địa chỉ biết là có người họ Lý, chứ chưa nghe thấy có người họ Lê, mộ cổ lại càng chưa hay đến. Đoàn tôi liền lạy tạ rồi tiếp tục tìm đường lên núi.
Men theo đường núi ngoằn ngèo, xác xơ bụi cây trụi lá, nắng gió đan xen, khí đông heo hắt. Một lúc sau đoàn lên đến giữa đồi, ngoảnh nhìn bốn phía, chỉ thấy hai dãy núi cong cong ôm gọn thôn Nam An Hà vào lòng, đương nhiên, đằng sau hai dãy ấy còn là những đồi núi xa tít trập trùng, chung quanh bợt bạt một màu vàng xạm. Lấp ló phía xa còn ẩn ước những mái đình, chóp miếu, nhưng có lẽ sẽ phải mất không ít một ngày mới hòng leo lên đó được.
Giữa chừng, đoàn gặp một cô trung niên đang cắt cỏ. Thấy có người lạ, cô trung niên hỏi han chuyện tình, rồi bảo rằng: tôi chưa nghe thấy bảo có mộ cổ ở đây bao giờ, người thôn này chôn phía tây núi, còn nếu mà có mộ cổ thật thì chắc ở dãy núi đối diện kia, hoặc không thìở Cửu Vương Phần, nhưng tôi không dám chắc. Nói đoạn anh em nhìn sang dãy núi bên kia, thì lòng không tránh khỏi ái ngại. Đến đây đoàn tôi bắt đầu thấy hoang mang, cứ ngỡ tìm được địa chỉ là thôn Nam An Hà là có thể tìm ngay được phần mộ của tiền nhân, nào ngờ lại khó khăn như vầy. Rồi cuối cùng đoàn quyết định xuống gặp Uỷ Ban thôn để h�
��i thăm sự tình.
��i thăm sự tình.
Cứ nghĩ trong Uỷ Ban thế nào mà chẳng có hồ sơ lưu trữ, hay đại loại là có những câu chuyện mà sau nó là những dấu ba chấm, khiến người ta có thể liên tưởng, có thể suy được ra manh mối nào đó, chẳng ngờ câu trả lời của các anh Uỷ Ban lại toàn ở thể phủ định với những từ “không”, “chưa” kèm theo ngữ khí như tỏ ra hết sức đáng tiếc. Dẫu chúng tôi cũng đã nhắc cả đến việc xây trường đua ngựa mà phải di dời phần mộ tổ tiên của mấy chục hộ dân, nhưng mấy ông Uỷ Ban vẫn dường không hay biết. Rồi bỗng dưng một ông thốt lên như nhớ ra một việc trọng đại, ông ta bảo rằng, ở gần trường đua ngựa có hai bia đá cổ, không biết có giúp gì được đoàn không. Anh em lập tức cảm ơn rồi dời Uỷ Ban đi về hướng trường đua ngựa.
Khuất lấp sau những bụi cây dại héo don, nằm trên dải đất như đã bị đào sới lên từ lâu, hai bia đá vẫn còn nguyên vẹn, bên cạnh trường đua và đống đổ nát. Tôi men lên đọc được mấy chữ “chính lam kỳ” và vài dòng chữ Mãn thì chẳng còn hứng thú nữa. Thì ra đây là bia dựng từ đời Thanh, ghi chép hành trạng và sự tích của một ông Thượng thư bộ Lễ. Ngồi bàn tán một lúc, anh em liền quyết định đáo qua Cửu Vương Phần ở vùng lân cận, hòng tìm ra một vài manh mối nào đó có liên quan đến “phần” đến “mộ”. Đoạn liền đáp xe đi tới di chỉ này.
(Trường đua ngựa bên cạnh hai bia đá cổ thời Thanh)
Cửu Vương Phần vốn là mộ của một ông hoàng thân, con thứ chín của vua Đạo Quang. Nơi đây phong cảnh tiêu điều, sơn son thiếp vàng của trăm năm trước, nay đã bong tróc cả ra, chỉ còn rặt những thanh gỗ mục, những vạt cỏ dại và những lùm cây hững lấy cái ánh nắng yếu ớt cuối đông. Nhìn cảnh ấy khiến người ta không bớt cảm khái về cái câu “vật thị nhân phi”, “nương dâu bãi bể”. Dừng chân một lúc, đoàn quyết định đi tìm tấm bia ở chùa Tú Phong do cụ Hồ Nguyên Trừng soạn lục, để rồi hy vọng đến chùa ấy may ra có sư trụ chì hòng hỏi thăm được điều gì đó dù là nhỏ nhoi cũng được, về nấm mồ đã sáu thế kỷ cô quạnh giữa chốn dị quốc tha hương.
“Cậu xem, dân bản địa ở đây 5,6 chục năm trời còn chẳng biết Chùa Tú Phong nữa là, chắc các cậu nhầm sang chùa Đại Giác, hay chùa Phổ Chiếu rồi.” Bà thu vé trên xe bus trả lời chúng tôi sau khi tận tình giúp hỏi những người chung quanh. Một lần nữa chúng tôi lại hết sức hoang mang, hoang mang vì rằng ngay cả cái chùa to như vậy mà dân còn chẳng biết, huồng hồ là cái nắm đất sè sè heo hút ở một nơi xa xăm nào đó trong những dãy núi bàng bạc thế kia. Chúng tôi cảm tạ rồi xuống xe, nghĩ bụng chắc chỉ có người cao tuổi ở vùng này may ra mới biết. Quả đúng như vậy! Vừa đi được vài bước liền gặp một bà lão, bà liền chỉ rằng, đi lên núi trước mặt rồi men theo đường ray, đi về phía bắc, sau đó hỏi đường tiếp. Chúng tôi theo lời, đi dọc lên núi, xung quanh có nhiều nhà dân nhưng không một bóng người. Chốc lát may gặp hai cụ già chống gậy nhàn du, dẫn tìm tới Tú Phong Tự.
(Men theo đường ray tới Tú Phong Tự)
Hoá ra, chùa Tú Phong vốn dĩ khi xưa có nhiều sư tăng Việt Nam tu hành, nay quá bán diện tích đã trở thành khu hành chính, phần còn lại thì nằm sâu trong dãy Cưu Phong. Đến khi bước vào cổ sái, thì đoàn tôi hoàn toàn kinh ngạc: toàn bộ chùa Tú Phong đã trở thành khách sạn. Các phòng đã được đánh số, duy còn vài phòng là để nguyên, nhưng đã trùng tu quá nửa. Vật duy nhất còn sót lại sau sáu trăm năm trời tang thương, vẫn còn rõ ràng đậm nét, chính là tấm bia ghi chép chuyện dựng chùa tự thuở xa xưa, nay lọt thỏm ở giữa sân vườn. Một chút gió, vài vạt nắng soi lên những dòng chữ sắc nét trên mặt bia để rồi nhắc lại cho người ta biết bao hoài niệm về quá khứ, người xưa…
“Chính nghị Đại phu Tư trị doãn Công bộ Tả thị lang Giao Nam Lê Trừng soạn…Kinh đô chi tây khứ thành lục thập dư lý hữu tự viết Tú Phong, nãi thái giám Cao công Nhượng dữ trụ chì tăng Trí Thâm chi sở sáng dã. Thâm, Giao Nam danh tăng, tính Ngô thị, t�
�� ấu xuất gia, khắc khổ tham học…” (Chính nghị Đại phu Tư trị doãn, Tả thị lang Bộ Công, người Giao Nam, tức Việt Nam, Lê Trừng soạn…Cách kinh đô hơn sáu mươi dặm về phía tây có chùa tên Tú Phong, do ông thái giám Cao Nhượng và sư trụ chì Trí Thâm sáng lập. Sư Trí Thâm, là vị sư nổi danh ở đất Giao Nam, họ Ngô, từ nhỏ xuất gia, khắc khổ cầu học…)
�� ấu xuất gia, khắc khổ tham học…” (Chính nghị Đại phu Tư trị doãn, Tả thị lang Bộ Công, người Giao Nam, tức Việt Nam, Lê Trừng soạn…Cách kinh đô hơn sáu mươi dặm về phía tây có chùa tên Tú Phong, do ông thái giám Cao Nhượng và sư trụ chì Trí Thâm sáng lập. Sư Trí Thâm, là vị sư nổi danh ở đất Giao Nam, họ Ngô, từ nhỏ xuất gia, khắc khổ cầu học…)
Đoàn ngồi lại nghỉ ngơi được dăm mười phút, thì cũng đã chiều chiều. Bấy giờ vì chưng chẳng còn căn cớ gì mà cậy vào tìm mộ, bèn hẹn nhau ngày khác lại đi. Đoạn trở ra quay về, kết thúc chuyến “hành trình tìm mộ” mà sau đó lại thành ra “hành trình tìm bia”. Mong rằng một ngày sau, khi có nhiều tư liệu về mộ cụ Hồ Nguyên Trừng hơn nữa, tôi sẽ lại đi tìm tiếp.
Trần Quang Đức viết tại Đại học Bắc Kinh ngày 1.12.2007
theo blog Truongthaidu
No comments:
Post a Comment