Viết bởi THỦY PHƯƠNG

Trong bài viết này, chỉ xin nói đến giá trị của thành đá, một công trình kiến trúc bằng đá độc đáo được nhà Hồ xây dựng với tốc độ đáng nể, chỉ trong vòng 3 tháng.
Thành nhà Hồ nằm trong địa giới hành chính của hai xã: Vĩnh Tiến và Vĩnh Long thuộc huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Từ Quốc lộ 1A (phía từ Hà Nội vào), rẽ phải vào đường 217, đi chừng 30km sẽ thấy cổng nam ngôi thành đá. Nếu đi tiếp trên đường 217, chúng ta sẽ đi xuyên qua hoàng thành. Chẳng nhẽ trong hoàng thành của một vương triều Việt, không có còn dấu vết của cung đình?
Đương nhiên là vẫn còn, đôi rồng đá nằm hai bên đường 217, đoạn chạy qua hoàng thành là một minh chứng. Ai cũng biết rằng, mỗi vương triều trong lịch sử nhà nước phong kiến Việt Nam đều có con rồng là biểu trưng. Rồng thời Lý, rồng thời Trần, rồng thời Lê... đều có cách nhận biết riêng và rồng nhà Hồ cũng vậy.
Điểm đáng lưu ý là cả hai con rồng đều không có đầu. Có khá nhiều lý giải về việc này. Người thì cho rằng, sau khi đánh chiếm thành, quân Minh đã chặt đầu rồng, biểu tượng của nhà Hồ để thể hiện sự diệt vong của vương triều này. Lại có ý kiến khác, là do những người bất đồng chính kiến với nhà Hồ gây ra.
Một ý kiến khác thì cho rằng, việc này do người Pháp thời kỳ mới chiếm đóng nước ta gây ra. Còn có một cách lý giải lưu truyền trong dân gian khá thú vị là, do làng Xuân Giai (nằm ở cổng Nam, thuộc xã Vĩnh Tiến) thường xuyên bị cháy nhà, người dân cho rằng do rồng quay đầu về làng mình phun lửa gây ra cháy nhà nên đã chặt đầu rồng!?
Men theo con đường xuyên từ cổng Tây sang cổng Đông của thành nhà Hồ vào cuối hè, chúng tôi bắt gặp một hồ sen nước trong xanh. Vẻ thâm trầm của mùa sen tàn lại gợi người ta đến miền xa xăm, nhất là khi biết đây là hồ Dục Thúy, một trong bốn hồ sen mà sử sách ghi rằng, chúng được xây dựng ở bốn góc thành để lấy nước sinh hoạt, phục vụ triều đình.
Bằng mắt thường, chúng tôi chỉ nhìn nhận được có bấy nhiêu hiện vật trong hoàng thành nhà Hồ. Thế nhưng khi tiếp cận với hồ sơ đề cử tài sản ghi vào danh sách Di sản văn hóa thế giới về thành nhà Hồ của tỉnh Thanh Hóa, chúng tôi mới biết rằng, theo cách nhìn của các nhà khảo cổ học, nhà sử học thì nơi đây vẫn đang hiện hữu nhiều di tích kiến trúc và di tích khảo cổ học như: Hai vòng thành, hào bao quanh thành nội; dấu vết nền móng các kiến trúc cung điện, dinh thự bên trong thành nội; con đường đá từ cửa Nam thành đến đàn Nam Giao; dấu phế tích đàn Nam Giao ở núi Đốn Sơn...
Chúng tôi đã từng nghe nói, thành nhà Hồ được Hồ Quý Ly xây dựng dựa vào thế sông, thế núi. Sông, núi chính là bờ lũy ngăn cản bước chân xâm lược của ngoại bang. Thành được xây dựng trong khu vực có sông Mã ở phía tây nam và sông Bưởi ở phía đông bắc, tạo thành một vùng rộng lớn khoảng 10 ha.
Bên ngoài, có nhiều dãy đá vôi vòng cung bao bọc. Núi Đốn Sơn nằm về phía đông nam, cách thành nội 2,5km, theo quan niệm phong thủy cổ xưa, đây được coi là tiền án của thành. Núi Song tượng nằm ở phía tây bắc được coi là hậu chẩm thành... Theo sách "Đại Nam nhất thống chí", thì thành nhà Hồ được mô tả "tả hữu đều gần núi đá; phía trước thành là sông Mã".
Ngoài việc tận dụng thế sông, thế núi, khi xây dựng thành, nhà Hồ còn tiến hành xây dựng hai vòng thành. Vòng ngoài được xây dựng bằng sự kết hợp giữa địa hình tự nhiên và có sự gia cố, đào đắp. Vòng trong thành là vòng thành có giá trị đặc biệt về kiến trúc, được tạo lập hoàn toàn bằng bàn tay con người.
Nó là vòng thành được xây dựng lên từ những phiến đá khổng lồ kèm với việc gia công thêm bằng đất, sỏi, xây gạch. Nếu nhìn từ bên ngoài sẽ thấy, vòng thành này được lắp ghép từ những phiến đá to, mặt nhẵn nhụi, có phiến cao 1m, dài 7m, nặng 16 tấn. Chạy dọc cả 4 bức tường thành đều thấy, chúng được lắp ghép bằng đá chồng lên nhau, phẳng phiu, nơi cao nhất là 8,6m.
![]() |
Bi đá được cho là phương tiện để vận chuyển xây dựng thành nhà Hồ. |
Chính vì vậy, người ta mới coi đây là ngôi thành đá (thạch thành) và đây cũng là nét độc đáo của thành đá. Điều gì đã giúp những người thợ thuở xưa với công cụ thô sơ đã xây nên những bức tường thành bằng những phiến đá khổng lồ? Đây là câu hỏi mà đến nay, các nhà khoa học mới chỉ đưa ra các giả thiết.
Hiện nay, tại cổng Nam thành nhà Hồ, Ban Quản lý di tích thành nhà Hồ có một phòng trưng bày, hiện đang trưng bày hàng trăm hiện vật tìm thấy ở ngôi thành cổ này, trong đó có hàng chục viên bi đá lớn (bằng quả bóng đá), nhỏ (bằng quả cầu mây, quả bóng tennis).
Việc tìm thấy những viên bi đá này giúp củng cố giả thiết: người thợ khi xưa đã dùng chúng như những con lăn để tời đá từ nơi khai thác (di chuyển bằng đường sông) và từ bến sông về công trường. Kết hợp với tời, người ta đã đưa những phiến đá này lên cao để xây thành.
Thành nhà Hồ có hình gần vuông, kích thước của thành được các sách mô tả khác nhau. Sách "Đại Nam nhất thống chí" thì cho rằng, "mỗi mặt 120 trượng (480m). L. Berzacier, một học giả người Pháp khảo sát thành vào đầu thế kỷ XX thì mô tả "thành xây hình vuông, mỗi cạnh 500m).
Năm 2005, các chuyên gia Nhật Bản trong quá trình nghiên cứu khảo cổ học tại di sản đã áp dụng kỹ thuật đo hiện đại và xác định, chiều dài của các cạnh giữa các điểm cao nhất mặt ngoài tường thành: cạnh phía nam dài 877,1m; cạnh phía bắc: 877m; cạnh đông dài 879,3m; cạnh tây dài: 880m.
Như vậy, thành có quy mô vào khoảng 877m cạnh đông tây và 880m cạnh nam bắc. Chúng gần như một hình vuông nhưng chiều dài nam bắc nhỉnh hơn chiều đông tây khoảng 3m. Diện tích bên trong vòng thành nội (hoàng thành) là 77ha. Cổng thành nhà Hồ cũng là những hạng mục kiến trúc độc đáo, hình vòm cuốn xây dựng bằng đá xanh.
Thành có bốn cổng, gồm: cổng Nam , cổng Bắc, cổng Tây, cổng Đông. Ở mặt trên cổngNam và cổng Bắc trước kia có vọng lâu làm bằng gỗ. Hiện nay, phía mặt trên hai cổng thành còn bảo lưu các lỗ chôn cột và đá móng.
Đến thành nhà Hồ mà không thăm vòng thành ngoài (la thành) quả là uổng phí. Nếu vòng thành trong được xây dựng bằng đá và hoàn toàn do bàn tay con người thì vòng thành ngoài lại là sự kết hợp giữa tự nhiên và con người. Dựa vào địa hình tự nhiên, người xưa gia cố thêm một số đoạn bằng đất, trồng tre, nối liền những dãy núi, con sông có sẵn.
Khi chúng tôi đến thành nhà Hồ vào cuối tháng 8 cũng là lúc đoàn khảo cổ của Viện Khảo cổ Việt Nam đang tiến hành khai quật khu vực đàn tế Nam Giao. Đàn tế này được Hồ Hán Thương xây dựng để tế trời. Tại đây, các nhà khảo cổ đang miệt mài tìm kiếm và nghiên cứu những hiện vật và hạng mục kiến trúc mới phát hiện.
Chúng tôi đã đứng rất lâu bên giếng ngọc, nơi mà các nhà khảo cổ mới phát hiện. Tiến sĩ khảo cổ Trần Anh Dũng đã chỉ cho chúng tôi xem những bức tường đổ còn gần như nguyên vẹn mới được khai quật. Sau khi phát lộ, các nhà khảo cổ đã giữ nguyên bức tường đổ nhằm giữ nguyên hiện trạng.
Nhìn cái cách mà Tiến sĩ Dũng lật giở những tấm ni lông để chỉ cho người khác thấy sự nguyên vẹn của bức tường đổ cách nay cả trăm năm mới thấy hết sự tỉ mẩn của người làm công tác khảo cổ và giá trị của những hiện vật được khai quật từ lòng đất. Đây là lần khai quật thứ ba.
Cuộc khai quật lần thứ nhất vào năm 2004 đã làm rõ vị trí di tích nằm ở khoảng giữa núi Đốn Sơn, trên diện tích khoảng 30.000 m2. Toàn bộ di tích đã biến mất khỏi mặt đất. Tại nơi phát hiện, còn nhận diện được mặt bằng của di tích chia thành 4 cấp nền. Cũng trong đợt khai quật này đã phát hiện dấu tích móng, nền, bậc thềm kiến trúc, móng tường.
Đợt khai quật thứ hai năm 2007, phát hiện dấu tích móng đường, móng nền sân đàn, mảng nền lát bằng đá phiến, móng tường bằng đá, ngách cửa... Đặc biệt, nối liền giữa đàn tế Nam Giao với cửa Nam thành nhà Hồ có một con đường lát bằng đá hoa, dài khoảng 2,5km. Năm 2008, khi khai quật một đoạn trước cổng thành phía nam đã phát lộ con đường lát bằng những viên đá xanh, nhiều kích cỡ. Đây là một đoạn của con đường nối liền cửa Nam thành đến đàn tế Nam Giao.
Gắn với ngôi thành đá do Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397 còn có rất nhiều tích truyền trong dân gian. Vì vậy, bên cạnh những hình khối kiến trúc đang tồn tại và được phát hiện sau khi tiến hành khai quật khảo cổ cũng như tư liệu lịch sử, việc tiến hành sưu tập những tích truyền này rất quan trọng bởi nó được hình thành cùng với việc xây thành và những biến cố của triều Hồ.
Đây cũng là căn cứ để làm "nặng" thêm hồ sơ trình duyệt UNESCO của tỉnh Thanh Hóa khi đưa thành nhà Hồ ra ứng cử Di sản văn hóa thế giới.
Theo Cao Hồng (Báo CAND)
No comments:
Post a Comment