Văn chương trong trí nhớ
"Trong lời nói việc làm, trong tài năng của người xưa có nhiều điều khả thủ, chỉ vì qua cơn binh lửa, sách vở bị cháy sạch thành ra các tư liệu dấu tích đều bị mất mát cả, không còn ai được nghe, há chẳng tiếc lắm sao? Nghĩ tới điểm này, tôi thường tìm ghi những việc cũ, nhưng thấy mất mát gần hết, trong trăm phần chỉ còn được một hai; bèn góp lại thành một tập sách, đặt tên là Nam ông mộng Lục, phòng khi có người đọc tới; một là để biểu dương các mẩu việc thiện của người xưa, hai là để cung cấp điều mới lạ cho người quân tử. Nhân vật trong sách, xưa kia rất phong phú, chỉ vì đời thay việc đổi dấu tích hầu như không để lại, thành ra còn mỗi một mình tôi biết chuyện và kể lại mà thôi, thế không phải "mộng" là gì? Các bậc đại nhân quân tử có thấu cho chăng?".
Tôi vừa chép lại những dòng tự đề tựa vào năm 1438 của vị Công bộ Tả thị Lang trong triều nhà Minh (Trung Quốc), xa quê hương đã 31 năm, và chỉ 8 năm sau, ông qua đời nơi đất khách quê người ở tuổi 73, đó là Hồ Nguyên Trừng tác giả của tác phẩm Nam ông mộng Lục.
Sau thất bại của nhà Hồ, năm 1407 Hồ Nguyên Trừng cùng cha là Hồ Quý Ly, em là Hồ Hán Thương và cháu (con của Hồ Hán Thương) bị quân Minh bắt được, đưa về Bắc Kinh.
Tư đức đại phu, Chính trị thượng khanh, Thượng thư Bộ lễ Hồ Huỳnh, là một vị đại quan của nhà Minh làm việc cùng triều với Hồ Nguyên Trừng, trong lời đề tựa "Nam ông mộng Lục" có viết như sau: "Văn ông ngắn gọn mà nghiêm cẩn, cao nhã mà hòa hợp, theo tình cảm kể việc, theo ý nghĩa đặt lời, vừa thú vị, vừa thiết thực, không truyện nào là không nhằm trình bày thứ bậc giữa vua tôi, làm rõ cái lành mạnh của luân thường đạo lý, thuyết minh chỗ thẳm sâu của tính mệnh đạo thuật, ghi chép con đường dẫn tới sự hưng phế của nước nhà. Đến như ca ngợi tiết nghĩa thì bừng bừng cảm khái, có thể lấy đó mà uốn nắn phong tục; biểu dương thuật tác thì siêu thoát thanh tân, có thể nói lấy đó mà nuôi dưỡng tính tình (…) tôi hiểu tấm lòng của Mạnh Nguyên (Hồ Nguyên Trừng) và cho rằng ông là dấu tích lạ của phương trời, nay được phô trương ở Trung hạ (…). Nay nhờ tri ngộ mà sách này sẽ mãi mãi được lưu truyền, há chẳng phải là dịp may lớn đã cứu vãn được một nguy cơ mất mát?".
Những duyên cớ, sự thôi thúc và mục đích của việc viết Nam ôngmộng Lục qua bộc bạch của tác giả và lời phẩm bình của người cùng thời đã nói rõ ở phần trên. Tôi đọc Nam ông mộng Lục, thấy đúng như vậy. Duy còn một điều tôi muốn nêu ra và làm cho rõ, trong 28 truyện của Nam ông mộng Lục thì có 11 truyện ghi lại trong trí nhớ những bài thơ, đoạn thơ cùng với xuất xứ những bài thơ đó. Tác giả không chỉ chép lại những câu thơ, ghi xuất xứ của nó mà còn phẩm bình, làm cho những tiểu truyện này có một giá trị đặc biệt. Nó không những kể được việc, bảo lưu được những câu thơ, bài thơ tuyệt tác, nêu được những quan niệm chính kiến về chân, thiện, mỹ mà còn bộc lộ được cảm quan nghệ thuật một cách khách quan chân thực, mang tính hàn lâm sâu sắc toát ra từ sự từng trải lịch duyệt của tác giả.
Hồ Nguyên Trừng ghi chép lại thơ của Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Minh Tông, Trần Nguyên Đán, Sầm Lâu Trần Quốc Toại, Nguyễn Trung Ngạn, Nguyễn Thánh Huấn, Trần Nghệ Vương, Hoàng Thường (sứ giả nhà Nguyên). Đây là những áng thơ đặc sắc thời nhà Trần mà Hồ Nguyên Trừng đã ghi lại được theo trí nhớ. Quả là những áng thơ hay và ám ảnh. Các vị vua và quan đại thần của nhà Trần vừa kinh bang tế thế vừa là những bậc đại bút trong rừng văn nước Việt-có lẽ cũng là cơ trời và thời đại đã sản sinh ra những nhân vật toàn tài như vậy.
Đọc Nam ông mộng Lục của Hồ Nguyên Trừng, tôi bần thần suy tư về một nhân vật lịch sử, một con người và một triều đại hưng thịnh rồi suy vong quá sớm. Hồ Nguyên Trừng là con cả của Hồ Quý Ly, ông vừa chứng kiến vừa là người trong cuộc của cái triều đại mới đó. Suốt cả Nam ông mộng Lục, mà như ý đồ của tác giả là thuật lại những chuyện ở trong mộng, trong trí nhớ, những chuyện đó là những gì ám ảnh để lại ấn tượng và hằn vết trong trí nhớ không bao giờ phai mờ. Nhưng tôi băn khoăn là trong cả một tập sách hồi tưởng về cố hương, tôi chỉ thấy ông nhắc thoáng qua một nhân vật cùng dòng họ, là Hồ Tông Thốc và một tiểu truyện liên quan đến tông thất lại là "ông ngoại tổ phụ của cha Trừng", còn lại các truyện đa phần nêu các sự kiện nhân vật thuộc hai triều đại Lý-Trần, đặc biệt là kể về triều Trần và một số vị vua nhà Trần. Tôi tự nghĩ, có lẽ vì những lý do hết sức tế nhị, bởi khi hoàn thành trước tác này, Hồ Nguyên Trừng đang là đại thần của nhà Minh. Nhưng với góc nhìn và tình cảm trong sâu thẳm của ông đối với nhà Trần thì thấy rất đậm đặc. Rõ ràng, không nói ra, tôi vẫn thấy Hồ Nguyên Trừng hình như trong thâm tâm không tán thành hành động của cha (tức Hồ Quý Ly). Qua đó lần nữa lại thấy rằng công cuộc gây dựng nhà Hồ thật hiểm khó, lòng người cứ mãi rời xa vương triều họ Hồ. Công cuộc canh tân hưng thịnh đất nước của nhà Hồ không thể vượt qua những lề thói, nếp nghĩ đã vôi hóa. Ôi, lòng người đã khó dời đổi, cách nghĩ cách nhìn còn khó dời đổi gấp nhiều lần. Những thói quen trì trệ cứ bám rễ dai dẳng vào ý thức của thời đại. Công cuộc canh tân của nhà Hồ có ai cần đến đâu! Họ Hồ canh tân quá sớm, sốt sắng quá sớm. Chẳng trách mà phải nuốt hận. Đến như tôi, một cá nhân nhỏ bé không tên tuổi mà đến thế kỷ 21 rồi vẫn hằng nhìn nhà Hồ theo cái nhìn của Nho giáo. Đọc Nam ôngmộng Lục, tôi cảm mến cái tài, cái tình của Hồ Nguyên Trừng.
HÀ ĐÔNG
http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/6/6/33/24921/Default.aspx
No comments:
Post a Comment