Chỗ nằm của Hồ Nguyên Trừng sẽ phải nhường cho...ngựa!(???)
Phần mộ của quan Thượng thư Bộ Công nhà Minh là Lê Trừng, tức Hồ Nguyên Trừng (1374-1446), vốn là tôn thất nhà Hồ của Việt Nam, tọa lạc tại thôn Nam An Hà, xã (hương) Bắc An Hà, khu Hải Điện, Thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc, có thể bị khai quật và di dời trong thời gian tới.
Theo Website của Tối cao Nhân dân Pháp viện (Tòa Án nhân dân tối cao) Trung Quốc (xem chinacourt.org) ngày 10 tháng 8 năm 2007 thì Tòa Án Hành chánh quận Đông Thành, Bắc Kinh, đã quyết định không thụ lý (bác bỏ) đơn kiện của tập thể 600 nông dân thôn Nam An Hà do một bà họ Tần (Tần nữ sĩ) đại diện, kiện hai Bị đơn là Ban Quản Lý Thôn (Thôn dân Ủy viên hội) và Công Ty tài chánh Guangbiao Yundong, đã tự tiện ký hợp đồng cho thuê 2000 hecta đất nông nghiệp đang trồng củ cải của dân mà không có ý kiến của những người đang sử dụng đất (theo Hiến pháp Trung Quốc thì người dân không có quyền sở hữu đất nhưng có quyền sử dụng và quyền chuyển nhượng đất). Ban Quản Lý thôn Nam An Hà đã ký hợp đồng cho Công Ty G.Y thuê dất để làm khách sạn (khoảng 0,674 hecta), còn lại làm trường đua ngựa trong thời hạn 60 năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê (tháng 2 năm 2004), với tiền thuê hàng năm là 700.000 tệ (khoảng 10.000 USD). Theo kế họach của Công Ty G.Y thì tất cả nhà cửa, mồ mả của dân phải di dời xong trong năm 2008. Mộ phần của gia đình Hồ Nguyên Trừng nằm trong số này (ngoài ra còn rất nhiều mộ của các danh nhân khác như Chu Tự Thanh, Đoàn Kỳ Thụy, Mã Chiếm Sơn, riêng lăng vua Cảnh thái nhà Minh vì là di tích quốc gia nên được chừa ra).
Hồ Nguyên Trừng là con trưởng Hồ Quý Ly, vua mở đầu nhà Hồ của nước Đại Ngu (tự nhận là dòng dõi Ngu Thuấn), nhưng không được truyền ngôi, có thể vì ông không phải con cháu nhà Trần (em Hồ Nguyên Trừng là Hồ Hán Thương là cháu ngoại vua Trần Minh Tông, mẹ Hồ Hán Thương là công chúa Huy Ninh, em vua Trần Nghệ Tông và Trần Duệ Tông). Sau khi cha con nhà Hồ bị quân Minh bắt về Trung Quốc thì họ Hồ bị đổi trở lại là họ Lê.
Nói thêm một số chi tiết về số phận cha con nhà Hồ sau khi bị bắt về Trung Quốc (dựa theo các tài liệu dẫn bên dưới):
Ngoài ba đầu sỏ của “giặc ngụy” (chữ dùng của Minh sử, Minh Thực lục, Minh Thông giám, Quốc triều hiến chính) là Lê Quý Ly, Lê Thương (tức Hồ Hán Thương), Hồ Đỗ (nguyên là Trần Đỗ, con của tôn thất nhà Trần là Trần Tông, mẹ Đỗ cải giá lấy Quý Ly nên gọi Quý Ly là bố dượng, đổi sang họ Hồ, được Quý Ly tin cậy giao chức cao) bị xử trí tương đối nhẹ (mặc dù trước khi chinh phạt Đại Việt, vua nhà Minh đã làm lễ tế cáo trời đất rằng tội của cha con họ Hồ là “Trời Đất cũng không thể tha thứ” (Minh sử đã liệt kê 20 tội của nhà Hồ, toàn là tội đại nghịch, như giết vua soán ngôi, tiếm hiệu, xâm lấn đất thiên triều, giết sứ giả….) là giam trong ngục ở Nam Kinh chờ phán quyết (Minh thực lục, Minh sử), nhưng sau đó thì chẳng thấy phán quyết nào, nên sử Việt Nam như Đại Việt Sử ký Toàn thư (gọi tắt Toàn Thư) chỉ nói chung chung rằng cha con nhà Hồ phải đền tội là hợp với đạo trời, tuy nhiên bộ Khâm Định Việt Sử Thông giám Cương Mục (Cương Mục), dựa vào tài liệu của nhà Minh (Minh sử ký sự) thì cho rằng Hồ Quý Ly không bị giết mà bị đưa đi làm lính ở Quảng Tây. Kiểm tra lại tài liệu (sử Việt Nam khi trích dẩn tài liệu Trung Quốc thường hay nói tắt, nên đôi lúc gây nhầm lẫn) của phía Trung Quốc (Minh sử ký sự bản mạt của Cổ Ưng Thái đời Thanh Khang Hy, dựa trên tài liệu tàng trữ của nhà Minh; và một số tài liệu khác như Dã ký của Chúc Doãn Minh (1460-1526), Minh sử diễn nghĩa (tuy là diễn nghĩa nhưng theo sát chính sử, rất có giá trị) của Sái Đông Phiên (đời Thanh mạt)) thì Hồ Quý Ly quả thực bị bắt làm lính thú tại Quảng Tây. Vấn đề là tại sao nhà Minh lại chọn hình thức và địa điểm “cải tạo “ đầu sỏ ngụy” như thế thì đến nay không có tài liệu nào cho biết cả! Xét cho kỹ thì việc xử lý Hồ Quý Ly của nhà Minh thật là thâm độc. Nhà Minh không giết, nhưng cũng không tha chúa ngụy, có thể vì những lý do sau:
-không giết Hồ Quý Ly vì Quý Ly là cha của một nhân tài là Hồ Nguyên Trừng, một người không những nắm rõ bí quyết chế tạo “thần cơ pháo”, “hỏa long pháo”, mà còn rất giỏi trong việc chế tạo các sản phẩm có giá trị khác (sẽ nói rõ hơn ở dưới). Tính mạng của Hồ Quý Ly hầu như là vật thế chấp để Hồ nguyên Trừng phải ra sức mà phục vụ cho nhà Minh trong việc nắm vững ‘thần cơ pháp”.
-không thể tha Hồ vì Hồ là “đầu đảng ngụy”, tội lỗi đã được xét xử công khai trong buỗi lễ “hiến phù” (dâng tù) tại điện Phụng Thiên ngày 3 tháng 10 năm 1407, và bản án đã tuyên là “cấm cố chờ phán quyết tiếp”.
-Để “giải quyết” Hồ (Quý Ly) mà thỏa mãn được cả hai điều trên thì phải làm sao cho Hồ “được chết” do nguyên nhân hợp lý khác.
Quý Ly đã trên 70 tuổi (sinh năm 1336) nay bắt đi làm lính thú (lính đóng đồn dài ngày) tại Quảng Tây thì cầm chắc là “tiêu sớm”, vì lúc này (1408) Quảng Tây đang đại lọan, còn loạn hơn cả Giao Chỉ nữa: các dân thiểu số Quảng Tây đang thi nhau “làm lọan” vì bị đói và phục dịch quá sức (một hậu quả của việc chinh phạt An Nam các năm trước, mà Quảng Tây phải cung cấp lính, dân công, gạo…). trong vòng mấy chục năm liền các sắc dân Dao, Miêu (Mèo/Hmong), Choang liên tục nổi dậy dưới sự lãnh đạo của các anh hùng (một điều buồn cười là Trung Quốc vừa ca ngợi các anh hùng khởi nghĩa, vừa ra sức tán tụng công lao thống nhất quốc gia của nhà Minh) Hầu Đại Cẩu, Lam Ái Nhị (cả 2 là người Dao); cha con Vi Triều Uy, Vi Ngân báo (người Choang). Nhà Minh phải huy động 16 vạn quân đến đàn áp, kể cả đại quân của tên đồ tể Trương Phụ từ Việt Nam kéo sang, dùng chiến thuật 3 diệt (giết không còn người nào, đốt không chừa ngôi nhà nào, bỏ thuốc độc không chừa nguồn nước nào) để khủng bố nghĩa quân (theo Minh sử Trương Phụ đã tàn sát 2/3 dân theo “bọn giặc”). Sau đó cho lính đóng đồn bao vây nghĩa quân (vì người Dao cố thủ ở vùng núi Đại Đằng Hiệp, J.Barlow của đại học Hawaii dịch là Grand Rattan Gorge-mà lính Tàu không tài nào vào được). Ông già 71 tuổi Hồ Quý Ly là một trong các lính đóng đồn (lính thú) này, thân già, mang án tù đi hiệu lực, lại đóng đồn trong vùng ác địa thì nếu không tự chết thì trước sau cũng bị dân man giết (người Dao rất thiện chiến và “hung tợn”, họ đã 7 lần chiếm Ngô châu và diệt không sót một người dân Tàu nào trong thành). Nhà Minh quả là cao tay (theo Toàn Thư thì những quan nhà Hồ hàng nhà Minh- chứ không phải bị bắt- đều được ban thưởng, phong quan chức, cho ăn yến và sau đó tất cả đều trúng độc rồi chết, không biết Toàn Thư dựa vào tài liệu nào, riêng Cương Mục cho rằng việc này có lẽ không đúng, vì “phi nghĩa” quá!): đưa tên “nghịch tặc An Nam “ Hồ Quý Ly về Quảng Tây vừa làm chấn động dân man (vua của Giao chỉ mà chỉ một trận đã bị Minh bắt dễ như mèo bắt chuột, và nay mèo cho chuột tạm sống dưới móng vuốt của mèo), vừa tạo cơ hội cho Quý Ly sớm tiêu vong.
Quý Ly chết sống ra sao sau đó thì sử sách chính thức của nhà Minh coi như không biết (như thế đủ chứng minh rõ ràng là Quý Ly không bị xử tử vào năm 1407 như một số tài liệu nói). Tài liệu gần đồng thời cho biết Hồ Quý Ly không bị chết ở Quảng Tây mà chết ở ‘kinh sư” là cuốn bút ký của Chúc Dõan Minh(1460-1526). Theo những ghi chép trong sách này, gần nhất với thời Hồ Quý Ly ở Trung Quốc, có thể Chúc Doãn Minh nghe con cháu của Hồ Nguyên Trừng kể lại, thì:” 季犁死葬京师,其子后迁葬于钟山之傍“(Dã Ký, tập thượng, có thể kiểm tra lại trên Internet) (Quý Ly chết, táng ở kinh đô, con ông ta cho cải táng cạnh núi Chung Sơn).
Núi Chung Sơn ở ngoại thành Nam Kinh, theo ý câu văn của Doãn Minh thì kinh sư đây là Nam Kinh, nơi Hồ Nguyên Trừng làm quan. Vậy Hồ Quý Ly chết trứơc năm 1421, khi kinh sư chuyển lên Bắc Kinh. Tại sao lại cải táng bên cạnh Chung Sơn, có lẽ ban đầu nhà Minh cho chôn tên tù chung thân cấm cố Quý Ly tại nhà tù ở kinh đô một thời gian, sau tha, cho con cháu di dời đem về phần mộ của gia đình gần núi Chung Sơn (cách Nam Kinh ngày nay khoảng 10 km). Vậy tạm cho “lý lịch” của Hồ Quý Ly nằm trong khoảng (1336-1420), Quý Ly khi chết khoảng 83-84 tuổi, sau lần “sát hạch” thứ nhất của Hồ Nguyên Trừng (mà Trừng đã dây dưa rồi xù luôn việc khai lý lịch để giao cho Bộ Lại xem xét )
Hồ Nguyên Trừng, như đã nói, nắm giữ cái bí quyết mà nhà Minh cần, nên được thả ngay và cho làm quan kha khá (chủ sự, chính ngũ phẩm, cỡ Giám đốc sở của VN hiện nay), chuyên lo chế tạo súng đạn, thuốc nổ cho Cục Quân Nhu (Binh trượng cục). Lúc đầu Trừng có lẽ chưa “an tâm công tác” nên còn tư tưởng “tiêu cực”, làm cho có lệ, không mong gì tiến thân, vì thân phận vốn là “ngụy quân”, hơn nữa cha và em còn bị “cải tạo”, như tài liệu sau cho thấy:
* Tuyên Đức nguyên niên, tam nguyệt, thập thất nhật (ngày 24/4/1426)
“Viên chủ sự Doanh thiện Thanh lại ty thuộc Bộ Công tại Nam Kinh (hành tại) là Lê Trừng đã đủ thời gian để sát hạch. Bộ Lại dâng biếu hặc tội Lê Trừng, cho rằng lần sát hạch trước y đã không nộp cho Bộ bản Lý lịch sự vụ sau khi kết thúc chín năm làm việc. Nay đến kỳ sát hạch này y mới chịu nộp bản lý lịch, như thế là vi phạm quy định. Hoàng thượng phán: Trừng khi còn tại An Nam đã phạm trọng tội, hoàng tổ (ông nội) ta đã đặc xá và dùng y, nay việc y vi phạm là không lớn, vậy có thể bỏ qua “ ( Minh Tuyên Tông thực lục quyển 16, trang 0409, Trung ương nghiên cứu viện (Đài Loan) xuất bản năm 1985).
(行在工部營繕清吏司主事黎澄考滿。吏部劾奏澄歷九載悉不赴部給由。今又歷兩考始给由,有違定制。上曰: 澄在安南罪重, 皇祖特宥而用之。所犯小罪,可宥也)
Có thể Lê Trừng không muốn khai lý lịch (năm 1417) sau 9 năm làm việc (theo quy định để làm cơ sở thăng chức) vì cha còn bị tù, khai ra chẳng lợi lộc gì, đừng nói thăng thưởng. Mãi đến lần sát hạch thứ 2 (chín năm sau, năm 1426), Lê Trừng mới chịu khai lý lịch là con em của “đầu đảng ngụy”, vì lúc này có khai cũng chẳng sao (do Quý Ly đã chết lâu rồi, và em là Thương đã được thả sau đó, theo Dã Ký). Nếu Quý Ly còn sống và bị nhốt thì chẳng dễ dàng cho vua Tuyên Tông bỏ qua và còn ngay sau đó liên tiếp thăng thưởng cho Trừng, như cho thấy sau đây:
* Tuyên Đức tam niên, chính nguyệt, nhị nhật (ngày 18/1/1428)
“ Lệnh phát lương tháng toàn bằng gạo cho viên hữu thị lang Lê Trừng thuộc bộ Công tại Nam Kinh (hành tại). Trừng là anh của tên đầu sỏ ngụy An Nam Lê Thương trước dây, y bị bắt đến kinh đô, Thái Tông Văn Hoàng-đế tha và dùng y; khởi đầu giao cho chức chủ sự ở bộ Công, Hoàng thượng tức vị, y được thăng Lang trung. Nội thần tâu y nghèo, bèn thăng chức Thị lang; đến nay lại ra lệnh cấp bổng hàng tháng toàn bằng gạo.”
( Minh Tuyên Tông thực lục, quyển 35, trang 0875, Trung ương nghiên cứu viện (Đài Loan) xuất bản năm 1985).
(命 行 在 工 部 右 侍 郞 黎 澄 月 俸 支 全 米. 澄前 安 南 僞 主 黎 蒼 之 兄, 俘 獲 至 京, 太 宗 皇 帝 赦 而 用 之. 初 授 工 部 主 事, 上 卽 位 陞 郞 中. 內臣 有 言 其 貧 者, 遂 陞 侍 郞, 至 是 復 命 月 俸 給 全 米 云)
Vì lúc này con tin Lê Quý Ly đã mất, chỉ còn dùng bổng lộc mà nắm Lê Trừng thôi, cũng quả là cao tay (đến nỗi các quan nhà Minh cứ thắc mắc tại sao Lê Trừng được ưu đãi quá, trong khi gốc là tên giặc ngụy, xem Vương Thế Trinh (1570-1633):
工部尚书黎澄、 子侍郎叔林,以俘夷。澄即伪虞大皇黎苍弟,在本国官为….天长等路大都督、特进、开府仪同三司、入内检校、左相国、平章军国事、上柱国、赐紫金鱼袋卫国大王。澄幸免于僇,而以善造神枪,父子至八座,禄 食者近五十年,年八十余,子亦近八十,可谓遇矣。(Hoàng Minh dị điển thuật, tập 5)
(Thương thư Bộ Công Lê Trừng, con là Thị lang Lê Thúc Lâm, vốn là tù binh người di (mọi). Trừng là em (đúng ra là anh) của vua ngụy Đại Ngu Lê Thương. Khi còn ở bản quốc (Giao Chỉ) làm quan đến …Thiên Trường đẳng lộ Đại đô đốc, đặc tiến, khai phủ nghi đồng tam ty, nhập nội kiểm hiệu, tả tướng quốc, bình chương quân quốc sự, Thượng trụ quốc, tứ Tử kim ngư đại, Vệ Quốc Đại vương (lược một đọan trong cái tên quan tước của Lê Trừng dài dằng dặc đến 81 chữ, Vương Thế Trinh cố ý nhắc lại để nhấn mạnh Trừng cũng là ngụy đầu sỏ!). Trừng đã may (sic) không bị hành tội (để ý chữ dùng của tác giả, cũng là chữ lục, nhưng có nghĩa là làm nhục, khác chữ lục là giết), mà do giỏi chế tạo súng thần thương nên cha con làm quan đến bát tòa (nhị phẩm), ăn lộc đến gần 50 năm, thọ hơn 80 tuổi (thực ra không đến); con y cũng thọ gần 80, có thể nói là hiếm có vậy!)
Từ một tên “giặc ngụy đầu sỏ” bị bắt mà Lê Trừng được người Tàu cho làm quan đến Thượng Thư cũng là điều hiếm thấy thật, hơn nữa Trừng lại là dân Nam man, không phải người Hán, lại càng cho thấy người Tàu quả là có óc thực dụng, khi cần thì chẳng nề hà man mọi, ngụy quân ngụy quyền, cứ có tài là họ chấp nhận, kể cả dàn hòa với giặc và cho giặc làm vua nếu thấy cần cho Trung Quốc (Mông Cổ Hốt tất Liệt, Mãn Châu Nỗ Nhĩ cáp Xích vốn trước là giặc sau làm hoàng đế của Tàu).
Việc Lê Trừng làm đến Thượng Thư là sự thực (các bộ Minh sử trên mạng thường bị thiếu phần về Lê Trừng lúc làm Thượng thư, nay bộ Minh sử tân hiệu bản của Academia Sinica, Đài Loan khôi phục lại rất đầy đủ, xem bộ sử này trên Internet tại Quyển 111, Biểu 12, Thất khanh niên biểu, bảng 3418-3419, Công Bộ Thượng thư:
十年己丑, 黎澄安南王子。六月任,專供內府事。十一年丙寅, 澄七月卒。
(Năm thứ 10 (Chính Thống), Kỷ Sửu (đúng ra là Ất Sửu 1445), Lê Trừng, vương tử An Nam, nhậm chức (Công bộ thương thư) vào tháng 6, chuyên lo cung cấp các thứ đồ dùng cho nội phủ. Bính Dần, năm thứ 11, tháng 7, Trừng chết.
Để ý giọng văn hoàn toàn thay đổi, không nhắc nhở gì đến việc Lê Trừng là ngụy cả, mà chỉ viết gốc tích Lê Trừng là vương tử An Nam.
Trước đó, theo Minh sử cảo (dưa trên tàng thư của nhà Minh, biên tập lại đầu đời Thanh, trước (Minhsử), thì
正统八年, “澄年七十,例应致仕,上疏乞留用,上怜其交趾远人,从之” (Chính Thống năm thứ 8 (1443), Trừng 70 tuổi, theo lệ phải về hưu, nhưng dâng sớ xin lưu dụng, hoàng thượng xét thương hoàn cảnh ông ta là người từ Giao Chỉ xa xôi đến, nên thuận cho). Để ý cách dùng chữ “lân” (thương, nhấn mạnh sự chiếu cố đặc biệt) (dẫn lại theo Trương Tú Dân- Minh đại Giao Chỉ nhân tại Trung Quốc chi cống hiến-Đài Bắc 1992)
Theo Giáo sư người Nhật Wada Masahiko, chuyên nghiên cứu về Việt Nam, thì Lê Trừng không những giỏi làm súng, mà còn biết chế tạo nhiều thứ rất tinh xảo, nên khi làm Công Bộ thương thư thì chuyên lo chế tạo đồ dùng cho nhà vua (như đã nói trên) (xem Namô Moraku ni tsuite- Chugoku soku ni nokosareta Betonamu-jin no chosaku/ Về quyển Nam Ông Mộng lục-tác phẩm hiện còn của người Việt Nam sáng tác tại Trung Quốc).
Lê Trừng chết tại chức, nên con là Lê Thúc Lâm (1401-1470) được nhà Minh thăng chức lên Công Bộ Hữu thị lang (chính tam phẩm), chuyên lo chế tạo quân nhu, năm 1470, Thúc Lâm đến kỳ sát hạch, lại vừa 70 tuổi, theo lệ phải về hưu nhưng lại được lưu dụng:
“叔林九载秩满,自陈年已七十,例应致仕,但以交趾远人,无家可归,乞容臣复任,以图报称。上许之” (Thúc Lâm đủ thời gian sát hạch sau chín năm làm việc, bèn làm đơn trình bày đã 70 tuổi, theo lệ phải trí sĩ, nhưng quê tại Giao Chỉ xa xôi, không còn thân thuộc để về, xin tiếp tục làm việc, để báo đáp ân sủng, Hoàng Thượng (vua Thành Hóa) chấp thuận) (dẫn lại theo Trương Tú Dân từ Minh sử cảo).
Trước đó một năm, Lê Thúc Lâm cũng chuẩn bị lo cho con đang làm quan ở xa về gần nhà mình, như sau:
*Thành Hóa ngũ niên, tứ nguyệt, giáp tý ( ngày 21 tháng 5 năm 1469):
“Lấy con của viên Công bộ hữu thị lang Lê Thúc Lâm là Thế Vinh làm Trung thư xá nhân. Thúc Lâm là người Giao Chỉ, cha tên Trừng, là em của con (Lê) Quý Ly là (Lê) Thương, vốn là tù binh bị bắt về (Trung Quốc). Thái Tông Văn Hoàng Đế tha tội cho y (Trừng) và dùng làm quan, chuyên coi sóc việc chế tạo súng, đạn, thuốc nổ tại Binh trượng cục, cuối cùng làm đến Công bộ thượng thư. Thúc Lâm kế nghịệp cha, tiếp tục giám đốc việc chế tạo quân khí. Đến nay (Lê Thúc Lâm) xin cho con của y là Thế Vinh làm quan tại kinh đô để tiện cho việc chăm sóc. Hoàng đế nghĩ đến hoàn cảnh người từ phương xa đến, nên rủ lòng chấp thuận đề nghị ấy”.
(Minh Hiến Tông thực lục, quyển 66, tờ 4.A (trang 1329), Trung ương nghiên cứu viện (Đài Loan) xuất bản năm 1985).
(錄工部右侍郎黎叔林子世荣為中書舍人。叔林交趾人,父澄,季犛之子蒼之第, 以俘至。太宋文皇帝赦之,授以官,專督造兵仗局銃箭火药。终工部尚書。叔林繼之,仍督造軍器。至是請官其子世荣于京便養。上念其遠人,俯從之)
Theo Wada Masahiko (trong bài viết dẫn trên), Lê Thế Vinh có tên tự là Mạnh Nhân (孟 仁), trước đó đang làm Chuyển vận sứ ở Diêm vận ty tỉnh Sơn Đông. Con cháu Lê Thế Vinh ra sao không rõ! Lê Trừng, Lê Thúc Lâm, Lê Thế Vinh đều được an táng tại thôn Nam An Hà, xã Bắc An hà, khu Hải Điện đã nói trên, gần chùa Tú Phong , cách trung tâm Bắc Kinh ngày nay độ khoảng 30 km. Chùa Tú Phong là một ngôi chùa Việt Nam tại kinh đô Trung Quốc, do nhà sư Trí Thâm họ Trần từ Việt Nam sang xây dựng trong khỏang năm 1428-1442, sư tăng trong chùa đa số là người Việt Nam, chùa được vua nhà Minh ban sắc chỉ liệt vào danh thắng năm 1443, ngày 8/4 âm lịch cùng năm, Lê Trừng đã sọan văn bia nói về việc xây chùa này. Toàn văn thác bản văn bia hiện lưu trữ tại Thư viện Bắc Kinh (Sắc tứ Tú Phong tự bi, Chính nghị đại phu, Tư trị doãn, Công Bộ tả thị lang, Giao Nam Lê Trừng sọan, Quý Thuần viết chữ chính văn, Tưởng Khâm viết chữ triện, Chu Hưng khắc, Trí Thâm pháp sư đốc tạo). Bia có kích thước 156 x 78 cm, hiện còn tại chùa Tú Phong. Xem toàn văn văn bia theo ảnh chụp tại trang web của Thư viện Bắc Kinh: res2.nlc.gov.cn, ký hiệu bản chụp 8377) .
Sinh thời, tại Trung Quốc, tuy làm quan to, nhưng Hồ Nguyên Trừng luôn nhớ về cố quốc, luôn xưng mình là người Việt Nam (trong Sắc tứ Tú Phong tự bi, ông cũng viết rõ mình là người Giao Nam). Cuốn Nam Ông mộng lục đã cố ghi lại những gì mà ông còn nhớ khi ở “bản quốc”, mà ông cho là những việc trong giấc mộng. Nhờ có tài năng mà ông và gia đình thoát chết, nhưng dù làm gì thì cũng xuất thân là tù nhân trong đất nước rộng lớn kia. Khi nào nắm xương tàn của ông về tới quê hương Thanh Hóa, Việt Nam thì chắc ông mới yên lòng!
http://www.viethoc.org/phorum/read.php?10,32622,page=1
No comments:
Post a Comment