Menu

Sunday, November 4, 2012

Có một người anh hùng trong thơ Nguyễn Trãi


CAO VĂN ĐỊNH
Đó là Hồ Quý Ly (1336 -1407), người thất bại trong cuộc cải cách đất nước những năm ngắn ngủi của nhà Hồ (1400 - 1407). Hồ Quý Ly làm vua, tự xưng là Thánh Nguyên, rồi làm Thái thượng hoàng, đổi tên nước Đại Việt và tiến hành cuộc cải cách xã hội toàn diện và táo bạo(1). Tuy nhiên cuộc cải cách quá nôn nóng, chưa đủ điều kiện chín muồi, lại không hợp lòng dân nên nhà Hồ thất bại. Đất nước rơi vào tay nhà Minh xâm lược, muôn dân lâm vào cảnh lầm than, đó là cái kết cục bi thảm của nhà Hồ.



Trong con mắt của người đời, Hồ Quý Ly là kẻ thoán đoạt, gian hùng, bạo nghịch. Nhà nho đương thời coi con người này là kẻ vô đạo, ngông cuồng, điếc  không sợ sấm. Bởi năm 1392, Hồ Quý Ly viết "Minh đạo", thành người Việt Nam đầu tiên đem sách thánh hiền ra bàn luận, xúc phạm đến khuôn vàng thước ngọc của mặt trời Khổng Tử, chê bai Chu Trình đại nho thời Tống dựng Lý học là viển vông không ích lợi cho dân. Họ Hồ còn đưa ra bốn điều nghi vấn trong sách Luận ngữ, phê phán những cũ mòn của đạo Nho, phỉ báng những kẻ khư khư ôm chữ trung câu nệ, run rẩy không dám bước ra khỏi tù ngục sách vở. Hồ Quý Ly phổ tư tưởng mới mẻ của mình vào "Minh đạo", kiến giải nhiều biện pháp, lấy đổi mới cực nhanh và cải cách xã hội làm biện pháp hành đạo giải quyết cơn khủng hoảng cuối đời Trần, chấn hưng đất nước và đề cao ý thức tự chủ dân tộc. Tiếc thay sách "Minh đạo" của Hồ Quý Ly với 14 thiên bàn luận sắc sảo, chắt từ bầu máu nóng mới mẻ của họ Hồ không đủ thời gian để các tầng lớp Nho gia, thương nhân và người dân quen ăn no ngủ kỹ chấp nhận. Cuốn sách bị vào lửa ngay sau khi giặc Minh tiêu diệt nhà Hồ.

Trong cuộc kháng chiến chống Minh, Nguyễn Trãi được Lê Lợi cho dựng chòi văn bên chủ soái, thảo thư từ giao thiệp, dùng hùng văn luận chiến với các tướng Minh, khi thì dụ hàng, khi thì đánh vào nhân tâm quân địch. Cả khi viết "Bình Ngô đại cáo", bản tuyên ngôn độc lập của nước Đại Việt, bản hùng văn bậc nhất của lịch sử Việt Nam, ông coi "Họ Hồ (là) chính sự phiền hà/ Để trong nước lòng dân oán hận". Nguyễn Trãi đề cao chủ nghĩa yêu nước thân dân, chỉ ra điểm yếu cốt tử của họ Hồ là không được lòng dân nên thất bại. Đó là cái nhìn đại cục, chính thống của nhà tư tưởng kiệt xuất khi tổng kết chiến tranh. Chiến công oanh liệt của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Minh đã đưa nhà Lê lên đỉnh vinh quang của các triều đại phong kiến Việt Nam.

Ẩn trong cái nhìn đại cục chính thống, từ trong sâu thẳm tâm can của đại thi hào nước Việt, người tự ví mình như Tử Mỹ Đỗ Phủ của Trung Hoa, nhân vật Hồ Quý Ly được nhắc tới như một người anh hùng. Có lẽ từ trước tới nay, chưa thấy một ai ngoài đại thi hào Nguyễn Trãi lại hạ bút viết về Hồ Quý Ly như thế. Bởi đời nào cũng vậy cái hiểm nguy trên giấy còn ghê gớm hơn cả chốn trận tiền. Có triết gia, có bậc tiên tri đã bị lên giàn lửa, có sử gia phải bỏ mạng để trả giá cho sự trung trinh của ngọn bút. Mà Hồ Quý Ly thời đó lại như cái vảy ngược của con rồng lịch sử, động vào cái tử huyệt ấy ắt sẽ mang vạ vào thân. Vậy mà Nguyễn Trãi một tâm hồn không kích cỡ không gian nào đo đếm nổi, những năm ngoại ngũ tuần, trong những bài thơ thế sự chữ Hán, đã dành mối cảm hoài có thực cho Hồ Quý Ly. Có tới bốn bài thơ trong số 105 bài của "ức Trai thi tập" mang nỗi niềm này. Đặc biệt có hai bài thơ được ức Trai dùng chữ ANH HùNG để chỉ nhân vật Hồ Quý Ly. Phải giữ được cái tâm vằng vặc đầy trải nghiệm, bậc đại dũng nhân, ngọn hùng văn kỳ vĩ nhất Việt Nam mới dành cho người anh hùng ôm hận ngàn năm nỗi cảm hoài như thế.

Mỗi lần qua cửa bể Thần Phù là mỗi lần ức Trai có thơ thế sự về họ Hồ. Cái cửa bể thiêng này gắn với sự chìm nổi của cõi đời. "Lênh đênh qua cửa Thần Phù/ Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm". Cơ nghiệp họ Hồ đã chìm ở cửa bể này, thành nỗi cảm hoài trong bài "Quá Thần Phù hải khẩu" của ức Trai. Cửa bể Thần Phù, theo sách "Đại Nam nhất thống chí" là cửa bể ở Nga Sơn (Thanh Hóa) đón nước sông từ tuần Chính Đại chảy xuống. Sông chảy giữa hai bên núi quanh co nối nhau ra biển, cảnh trí thanh u khoáng đãng, thật là một vùng sơn thủy bao la. Những năm chống Minh, nhà Hồ biên chế lại quân đội, chú trọng thủy binh, đóng chiến thuyền lớn, chế súng thần cơ. Nhiều cửa sông hiểm yếu của nước Việt được đóng cọc, lập thành chiến tuyến phòng thủ. Hồ Quý Ly đã cho đổ đá lấp cửa Thần Phù ngăn bước tiến của quân Minh. Vậy mà vẫn cứ thất bại! Qua cửa Thần Phù trong một đêm gió mát trăng thanh, ức Trai đã viết bài thơ "Quá Thần Phù hải khẩu" (Qua cửa Thần Phù) : "Thần Phù hải khẩu dạ trung qua/ Nại thử phong thanh nguyệt bạch hà/ Giáp ngạn thiên phong bài ngọc duẩn/ Trung lưu nhất thủy tẩu thanh xà/ Giang sơn như tạc anh hùng thệ/ Thiên địa vô tình sự biến đa/ Hồ Việt nhất gia kim hạnh đố/ Tứ minh tùng thử tức kình ba".Trúc Khê dịch bài thơ này như sau: "Thần Phù qua đó lúc đêm khuya/ Gió mát trăng thanh cảnh tuyệt kỳ/ Măng mọc nghìn đầu non dựng đứng/ Rắn xanh một dải nước quanh đi/ Giang sơn như cũ đâu hào kiệt/ Trời đất vô tình lắm biến di/ Hồ Việt mừng nay về một cõi/ Biển khơi tăm ngạc bặt im lì".

Bài thơ không hẳn chỉ là ngợi ca cảnh thiên nhiên hùng vĩ như một số người đã phân tích. Bài thơ mang nỗi buồn thế sự, là niềm trắc ẩn trước một thiên nhiên đã im chiến trận. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là suy tư, triết luận về số phận người anh hùng từng lưu dấu ở cửa bể nhiều sóng gió này. "Giang sơn như tạc anh hùng thệ/ Thiên địa vô tình sự biến đa". Tức là "Non sông vẫn như vẽ mà anh hùng thì đã mất/ Trời đất vô tình khiến sự biến xảy ra nhiều". Tiếc thay câu thơ đã được dịch bỏ mất chữ ANH HÙNG mà thay bằng chữ HÀO KIỆT(!). Bởi vậy đã không nhấn được cái bi kịch của Hồ Quý Ly xảy ra ở cửa biển này. Sau binh đao, trời đất đã lắng lại mà nỗi niềm trắc ẩn trong lòng người lại trào lên. Phải có con mắt xanh đủ tầm vóc lịch sử, đại thi hào Nguyễn Trãi mới nhận ra cái bi kịch của Hồ Quý Ly là bi kịch của người anh hùng ôm hận ngàn năm.

Bi kịch còn ở chỗ biết được quy luật của trời đất mà hành đạo lại không kịp với quy luật ấy. Hồ Quý Ly viết "Minh đạo" từng thấu hiểu triết lý này của Nho gia: "Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật nhi sô cẩu" (Trời đất không nhân ái coi vạn vật như con chó rơm). Chó rơm tất sẽ bị thiêu khi hành lễ. Kẻ nào chống lại trời đất, chống lại quy luật trời đất ắt sẽ bị thiêu đốt như chó rơm, kể cả người anh hùng. Thương cảm trước bi kịch của người anh hùng, đại thi hào nước Việt đã chia sẻ nỗi suy tư với người đã khuất bằng cách nhắc lại tinh thần triết lý Nho gia trên. Nguyễn Trãi tránh cụm từ "Thiên địa bất nhân" mà dùng "Thiên địa vô tình" để vợi bớt nỗi đau của nhân vật anh hùng cần cả ngàn năm rửa hận. Bởi đại thi hào biết rằng khi còn sống Hồ Quý Ly đã cầu xin trời đất cho dài thêm mười năm để có đủ thời gian đào tạo lớp nho sỹ mới giàu tinh thần dân tộc giúp nhà Hồ gánh vác giang sơn.

Bởi vậy, khi qua cửa Bạch Đằng, Nguyễn Trãi đã viết "Quan hải" (Đóng cửa biển), tiếp tục lý giải tấn bi kịch của Hồ Quý Ly. Cửa Bạch Đằng cũng được nhà Hồ đóng cọc gỗ, giăng xích sắt ngầm khóa chặt cửa biển, tạo phòng tuyến chống Minh. Với các bậc tiền liệt Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, cửa Bạch Đằng là chiến công hiển hách của dân tộc ta. Còn với Hồ Quý Ly, cửa Bạch Đằng là bài học đau đớn về sự thất bại bởi không hiểu được sức dân. "Phúc chu tín thủy dân do thủy/ Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên" (Làm lật thuyền mới biết sức dân như nước. Cậy thế hiểm không bằng cậy mệnh trời). Câu thơ tiếp theo trong bài"Quan hải" đã luận về họa phúc của người anh hùng "Họa phúc hữu môi phi nhất nhật/ Anh hùng di hận kỷ thiên niên" (Họa phúc đều có mối manh không chỉ trong một ngày (mới biết)/ Anh hùng để lại mối hận ngàn năm). Thất bại của họ Hồ đã minh chứng cho sự bất tuân quy luật nghiệt ngã của trời đất. Thành bại trên đời không phụ thuộc vào thế hiểm thiên nhiên mà ở mệnh trời, ở lòng người. Nó rất dễ nhận biết trước nhãn tiền, trước làn khói trên ngọn cây, trước dòng sông xanh của khúc sông này (Kiền khôn kim cổ vô cung ý/ Khước tại thương lang viễn thụ yên).

Cặp từ ANH HÙNG và THIÊN ĐỊA VÔ TÌNH  được Nguyễn Trãi dùng trong những bài thơ viết khi qua cửa Bạch Đằng và cửa Thần Phù. Tất cả đều liên quan đến bi kịch của Hồ Quý Ly. Và bài "Lâm Cảng dạ bạc" (Đêm đậu thuyền ở Lâm Cảng) cũng mang nỗi cảm hoài tương tự. Thì ra, Lâm Cảng theo "Đại Nam nhất thống chí" chính là Lẫm Cảng, là nơi sông Thần Phù đổ ra cửa Càn, nơi ngày nay chỉ còn sót lại một đầm nước gọi là Đầm Lẫm. Nơi Hồ Quý Ly lấp đá năm xưa! Vậy nên, cứ mỗi lần qua Thần Phù là mỗi lần cảm hứng ngẫm ngợi thế sự lại trào dâng trong thơ ức Trai. Và lần đậu thuyền ở Lâm Cảng đêm ấy, Nguyễn Trãi lại suy tư về người anh hùng ôm hận coi cái huân danh của bản thân chỉ là hư danh để ở ngoài lòng. Thân là ảo ảnh. Kiếp phù sinh là cái trong cõi mộng, Việc đời thật đáng bỏ đi.


Không chỉ cảm thông, chia sẻ bi kịch của người anh hùng ôm hận ngàn năm trong bốn bài thơ thuộc "Ức Trai thi tập", Nguyễn Trãi còn dày công sưu tập toàn bộ di cảo chữ Nôm của Hồ Quý Ly để dâng lên vua Lê Thái Tông. Việc làm này hoàn tất vào năm Đinh Tỵ (1437), tức là trước 5 năm xảy ra vụ án bi thảm Lệ Chi viên. Đó là cái tâm sáng trong đầy trách nhiệm trước nhân thế của đại thi hào đất Việt Nguyễn Trãi - danh nhân văn hóa thế giới - đã dành cho Hồ Quý Ly, một nhân vật lịch sử còn nhiều bàn cãi. Càng thấy tấm lòng của ức Trai sáng tựa sao Khuê.
                                                                                                                      Tháng 3- 2009
                                                                                                                             C.V.Đ
(1) Đó là củng cố tăng cường quân đội, đổi tiền giấy thay tiền đồng, hạn điền, hạn nô, ban bố luật hình, sửa chế độ thuế khóa (miễn thuế đinh cho người không ruộng và trẻ mồ côi, miễn thuế ruộng cho đàn bà góa), cải cách thi cử, bổ chức học quan, lập quảng tế thư chữa bệnh cho dân, coi trọng chữ Nôm, tôn vinh bản sắc dân tộc...
sưu tầm thêm:

關海
樁木重重海浪前, 
沉江鐵鎖亦徒然。 
覆舟始信民猶水, 
恃險難憑命在天。 
禍福有媒非一日, 
英雄遺恨幾千年。 
乾坤今古無窮意, 
卻在滄浪遠樹煙。

Quan hải
Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền, 
Trầm giang thiết toả diệc đồ nhiên. 
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên. 
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật, 
Anh hùng di hận kỉ thiên niên. 
Kiền khôn kim cổ vô cùng y, 
Khước tại Thương Lang viễn thụ yên.

Đóng cửa bể 
(Người dịch: Hưởng Triều)
Lớp lớp cọc ngăn giữa sóng nhồi, 
Thêm ngầm dây sắt- uổng công thôi. 
Lật thuyền, thấm thía: dân như nước, 
Cậy hiểm mong manh: mệnh ở trời. 
Họa phúc có nguồn, đâu bỗng chốc? 
Anh hùng để hận, dễ gì nguôi? 
Xưa, nay, trời đất vô cùng ý, 
Nơi sóng xanh cây khói tuyệt trời...

(bản dịch khác)
Sóng biển mênh mang cọc điệp trùng 
Ngăn sông xích sắt luống toi công 
Lật thuyền mới biết dân như nước 
Cậy hiểm không xong trách Hoá công 
Hoạ phúc phải đâu trong phút chốc 
Anh hùng ôm hận với non sông 
Ý dân muôn thuở là thiên ý 
Khói toả cây xa sóng chập chùng


Chập chùng sóng bạc khói chơi vơi 
Dân ý xưa nay vốn ý trời 
Tráng sĩ thiên thu đành nuốt hận 
Sơn hà chìm đắm lỗi nơi ai ? 
Lật thuyền chớ trách trời quay mặt 
Cậy hiểm sao bằng nước chảy xuôi 
Cọc gỗ trùng trùng, trơ sóng biển 
Chăng sông xích sắt, chỉ mua cười! 
(Bài hoạ nghịch ngôn thi)

Cọc đóng trùng trùng trước sóng khơi 
Lại ngầm lưới sắt bủa nơi nơi 
Đắm thuyền biết hẳn dân như nước 
Dựa hiểm bằng đâu mệnh tại trời 
Phúc họa chẳng thành do một buổi 
Anh hùng lưu hận mãi muôn đời 
Xưa nay vẫn ý càn khôn ấy 
Cây khói trời Thương trở lại thôi.

Lớp lớp rào lim ngăn sóng biển, 
Khoá sông xích sắt cũng vầy thôi. 
Lật thuyền mới rõ dân như nước, 
Cậy hiểm khôn xoay mệnh ở trời. 
Hoạ phúc gây mầm không một chốc, 
Anh hùng để hận mấy trăm đời. 
Vô cùng trời đất gương kim cổ, 
Cây khói xa mù bát ngát khơi.

Nguồn: Nguyễn Trãi toàn tập, Đào Duy Anh, NXB Khoa học xã hội, 1976

1 comment:

Jim Beard said...

I thought the genius Hồ Nguyễn Trừng was in charge of the defense against Ming ships and that the chains were forged in the same forges that made the Divine guns. I wonder if the sixth line implies the individual was despised because of the loss to the Ming army but was secretly a hero for some sort of action AFTERWARDS contributing to the withdrawl of the Ming army in 1428. Who in Dai Viet (before 1406) was intellectually similar to Nguyễn Trãi and of the same generation? Which Hồ did Trãi respect (line 3)?
Who in China could have intellectually discussed "Binh Ngo Sach" with Trãi? Now who is the hidden hero of line six?

Post a Comment