Menu

Wednesday, June 27, 2012

Những tên gọi của Thành Nhà Hồ


Thành Nhà Hồ được xây dựng từ mùa xuân năm Đinh Sửu (1397) đến nay đã 594 năm.


Toà thành đá và vùng ngoại vi của nó đã từng là kinh đô thứ hai của vương triều Trần thế kỷ XIV và là quốc đô nước Đại Ngu, vương triều Hồ thế kỷ XV. Với tuổi đời gần 6 thế kỷ, Thành Nhà Hồ là chứng nhân lịch sử của biết bao diễn biến lịch sử, lúc hào hùng khi đau thương của đất nước và quê hương Thanh Hoá, nhất là vào 4 thế kỷ trước. Đến nay cổ thành một thời rực rỡ hào quang đang rơi dần vào cảnh u tịch của một phế tích lịch sử.
Dù đang là một phế tích lịch sử Thành Nhà Hồ vẫn là bảo vật quý giá của đất nước với những công trình kiến trúc đang còn với sự tồn tại gần 600 trăm năm, với sự thay đổi tên gọi gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Có nhiều bí ẩn của toà thành cổ chưa được làm sáng tỏ...

   Vấn đề quá lớn.

   Với hiểu biết hạn chế, xin được đóng góp một tư liệu nhỏ về Thành Nhà Hồ ở khía cạnh “những tên gọi của Thành Thà Hồ và sự kiện lịch sử”.

   NHỮNG TÊN GỌI KHÁC NHAU CỦA THÀNH NHÀ HỒ.

   1. Thành An Tôn.
   An Tôn là tên đầu tiên. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Năm Đinh Sửu (1397) mùa xuân, tháng giêng, Lại bộ thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh vâng mệnh vua (vua Trần Thuận Tông) đem người vào động An Tôn, huyện Vĩnh Ninh, trấn Thanh Hoá, xem xét, đo đạc đất dai, đào hào xây thành, lập nhà tông miếu, dựng đàn xã tắc, xây cung điện, mở đường phố. Vua có ý dời đô đến đó. Làm 3 tháng thì xong...” .

   Toà thành đá hiện còn trên địa phận các làng Tây Giai và Xuân Giai thuộc xã Vĩnh Tiến và làng Đông Môn xã Vĩnh Long (đều thuộc huyện Vĩnh Lộc) cách đây gần 600 năm được xây dựng trên đất đai thuộc động An Tôn, một làng cổ ở phía bắc huyện Vĩnh Ninh (nay là Vĩnh Lộc) sát với sông Lỗi Giang (sông Mã ngày nay). Động An Tôn xưa, ngày nay là các làng Yên Tôn Thượng, Phù Lưu và Yên Tôn hạ (từ Yên và An viết theo chữ Hán đều đọc là an, rồi chuyển thành âm yên). Ba làng đó còn có tên nôm là Ba Don: Don thượng, Don trầu, Don hạ. Còn các làng Mỹ Xuyên (có tên là làng Đầm) Tây Giai, Xuân Giai, Đông Môn, cùng một số làng khác gần đó là những tụ điểm dân cư được hình thành rất lâu, sau khi có thành An Tôn, tức Thành Nhà Hồ ngày nay.

   Ngày 15 tháng 3, vua Trần Thuận Tông ban lệnh về phủ Thanh Hoá. Nhưng đến tháng 11, xa giá nhà vua mới thực sự cùng tông thất và triều đình rời Thăng Long vào Thanh Hoá, nhưng không đến thành An Tôn mà về cung Bảo Thanh ở hương Đại Lại, cuối huyện Vĩnh Ninh đã được Lê Quý Ly cho xây dựng sẵn. Hương Đại Lại là quê hương của Quý Ly, triều Hồ được đặt tên là Kim Âu, cách Thành Nhà Hồ trên 20 km, nay là xã Hà Đông của huyện Hà Trung.

   Năm Đinh Sửu (1397), thành An Tôn chưa có tên mới, phải chờ đến mùa Xuân Mậu Dần (1398) có sự kiện chính trị nó mới xuất hiện.

 2. Tên là Tây Đô

   Ngày 15 tháng 3 năm Mậu Dần (1398), vua Trần Thuận Tông ban chiếu nhường ngôi cho Hoàng thái tử An mới 3 tuổi. (vua lúc này 20 tuổi, ở ngôi được 7 năm). Hoàng thái tử lên ngôi ở cung Bảo Thanh, đặt niên hiệu là Kiến Tân nguyên niên. Ba tuổi, Trần Thiếu Đế chưa biết lạy, Hoàng hậu Khâm Thánh phải lạy trước cho con bắt chước.

   Cùng ngày hôm ấy, xa giá vua Trần Thiếu Đế về thành An Tôn. Vua ngự ngai vàng, trăm quan chầu lạy. Thành An Tôn được gọi là Thành Tây Đô.

   Tên Tây Đô có từ ngày ấy.

   3. Tên là Quốc đô nước Đại Ngu.

   Năm Canh Thìn (1400), ngày 28 tháng 2, vua Trần Thiếu Đế (5 tuổi) làm lễ nhường ngôi cho Quốc tổ Chương Hoàng đế Lê Quý Ly tại điện Hoàng Nguyên. Sau nhiều lần triều đình và tông thất nhà Trần dâng biểu khuyến tiến Quý Ly mới nhận.

   Trong 7 năm là quốc đô của triều Hồ, nơi đây đã diễn ra những sự kiện chính trị mà 30 năm cuối vương triều Trần chưa làm được. Đó là những cuộc cải cách lớn về chế độ chính trị, giáo dục, tiền tệ, thuế khoá, quân sự với tham vọng lớn là nhanh chóng làm cho nước Đại Ngu cường thịnh, thoát khỏi những khủng hoảng trầm trọng của đời sống xã hội cuối vương triều Trần để lại. Các cuộc cải cách đó đã được ban bố từ điện Hoàng Nguyên và bố cáo trước cửa Chính Nam môn của toà thành đá.

   Có mấy sự kiện lớn làm cho đời sau không quên được toà thành đá mà ngày nay ta gọi là Thành Nhà Hồ.

   a) Năm Canh Thìn (1400) tháng 8, Hồ Quý Ly mở khoa thi tại Quốc đô, lấy đỗ 20 thái học sinh (học vị tương đương với tiến sĩ triều Lê sau này).

   Năm Ất Dậu (1405), Hồ Hán Thương cũng mở khoa thi tại đây, lấy đỗ 170 Cống sinh và Thái học sinh lý hành.

   Với các kỳ thi đó, thành An Tôn, quốc đô triều Hồ, chỉ trong 7 năm đã trở thành một trung tâm văn hoá của đất nước mà các thế kỷ trước chỉ có thành Thăng Long, quốc đô của triều Lý và triều Trần có được mà thôi.

   b) Cũng ở thành đá này năm 1402 có lễ Tế Giao tại núi Đốn Sơn (tức núi Đún), phía trước kinh thành.

   Sử còn cho biết, triều Trần không có Tế Giao. Lễ Tế Giao là lễ tế trời đất, lễ cực trọng của triều đình. Tế trời vào tiết Đông chí, tế Đất vào tiết Hạ chí. Ba năm là đại lễ, hai năm là trung lễ, hàng năm là tiểu lễ.

   Đến triều Lê, triều Nguyễn về sau đều có lễ tế Giao.

   Như vậy trong lịch sử dân tộc từ khi mở nước đời Hùng Vương đến nay chỉ có 3 nơi có mở khoa thi đình, có đàn tế Giao là: Thăng Long, Thành Tây Đô và Phú Xuân.

   c) Cũng ở thành đá này, được mang tên quốc đô nước Đại Ngu có cuộc xuất chinh đi mở cõi cho nước Việt.

    Năm Nhâm Ngọ (1402), một năm sau khi lên ngôi vua, Hồ Hán Thương thân chinh cầm 20 vạn quân thuỷ bộ, voi ngựa vào phương Nam chinh phạt nước Chăm Pa (Chiêm Thành). Đại binh xuất phát từ cửa chính Nam ở Kinh thành, thuỷ quân xuất phát từ sông Lỗi giang ra biển. Đại binh theo đường thiên lý nối từ kinh thành đến tận Tân Bình, Thanh Hoá, dọc đường có đặt chạm và phố buôn bán do Hán Thương sai làm từ trước. Sau một trận quyết chiến, đại binh cùng vua Hồ giành chiến thắng rực rỡ, buộc vua nước Chăm Pa phải quy hàng và dâng nộp đất Chiêm Động và Cổ Luỹ cho nước Đại Ngu. Cùng với cuộc xuất chinh vào phương Nam của Hồ Hán Thương, có sự xuất hiện của một loại bánh làm lương khô cho quân viễn chinh là “bánh chè lam” ngày nay, không có nơi nào có được loại bánh như vậy và có chất lượng như ở nơi này, từ mấy thế kỷ qua và hiện nay, được gọi là “chè lam Phủ Quảng”.

   g) Cùng với sự ra đời Tây Đô của triều Trần, quốc đô của triều Hồ, Thành Nhà Hồ (xin lấy tên gọi ngày nay) còn mang dấu vết phôi thai của một đô thị cổ với sự xuất hiện các đường phố ở ngoài Thành Đá, tức nơi ở của Vua.

   Đại Việt sử ký toàn thư có ghi Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh vào An Tôn xây thành trong lệnh của vua có nói: “mở đường phố” (đã chép ở trên). Sau đó, mở được bao nhiêu đường phố không rõ, ngày này còn lại các tên cũ chỉ các đường phố là: Tây Nhai, Hoa Nhai, nay là đất đai của các làng Tây Giai và Xuân Giai. Theo các tư liệu sử cũ cho biết các vua họ Hồ đều chú ý phát triển, khuyến khích việc buôn bán ở dọc đường thiên lý được Hồ Quý Ly và Hồ Hán Thương chủ chương, thực hiện.

   Căn cứ vào những di tích đó, Thành An Tôn xưa không chỉ là một thành quân sự, mà dần trở thành một đô thị, một trung tâm kinh tế phôi thai ở nơi “cuối nước đầu non” của trấn Thanh Hoá.

   4. Tên là thành phủ Thanh Hoá.
   Với mưu đồ xâm lược nước ta, mở rộng thế lực của nước Đại Minh hùng cường mới bước lên sân khấu Trung Hoa, vua nhà Minh sai Trương Phụ, một viên tướng dầy dạn với chiến trận, mang 80 vạn quân tinh nhuệ, giương cờ “phù Trần diệt Hồ” tiến vào đất nước Đại Việt. Với sự giúp đỡ của con cháu và quan lại cũ nhà Trần, làm nội ứng đứng sau lưng quân đội triều Hồ, giặc Minh dễ dàng giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chỉ trong vòng mấy tháng trong năm Đinh Hợi (1407) mà quân đội nhà Hồ đã phải lùi liên tiếp các phòng tuyến chiến đấu cuối cùng bị bại trận hoàn toàn ở cửa biển Kỳ La (nay thuộc huyện Kỳ Anh - Hà Tĩnh), kết thúc vương triều Hồ.

   Tháng 11 năm Đinh Hợi (1407), giặc Minh Đánh vào phủ Thiên Xương, chiếm quốc đô của triều Hồ. Thành An Tôn trở thành căn cứ quân sự của giặc Minh.

   Sau khi chiếm xong nước Đại Việt, giặc Minh thực hiện chế độ cai trị chia nước ta thành quận, huyện và đặt quan lại cai trị. Thành Đông Đô bị đổi tên thành Đông Quan, lỵ sử Tam ty đô hộ phủ của quận Giao Chỉ, (tên mới đặt cho nước ta). Quốc đô cua triều Hồ được đặt tên thành phủ Thanh Hoá.

   5. Tên Tây Kinh, Tây Đô, Tây Việt Kinh.
   Đánh thắng giặc Minh, đại định thiên hạ Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi vua, đặt quốc hiệu là Đại Việt, đặt tên hiệu là Thận Thiên, quốc đô đặt ở Thăng Long, gọi là Đông Kinh. Thành Thanh Hoá thời thuộc Minh, nay được gọi là Tây Đô, theo tên gọi thời Trần.

   Năm Canh Tuất (1430), vua Lê Thái Tổ ban luật lệ, đổi tên chính thức Đông Đô là Đông Kinh, Tây Đô là Tây Kinh.

   Thành An Tôn lại có tên gọi mới là Tây Kinh. Từ đó, hai từ Tây Kinh là để chỉ địa danh Tây Đô cũ.

   Nhưng rồi hai từ Tây Kinh lại được chuyển dịch dùng để chỉ miền Thanh Hoá, nơi có một kinh thành thứ hai của vua Lê là Lam Kinh ở xã Lam Sơn, nơi có cung điện, nhà tông miếu thờ cúng tổ tiên của vua, lại có hành cung cho vua ở khi về bái yết tông miếu, sơn lăng. Cuối cùng hai từ Tây Kinh chỉ địa danh Lam Kinh, hay nói cách khác tên thứ hai của Lam Kinh.

   Còn tên Tây Kinh được đặt năm 1430 để chỉ Tây Đô không còn dùng để chỉ lỵ sở này nữa. Đến năm 1478, Đại việt sử ký toàn thư ghi chép rõ ràng sự phân biệt hai địa danh này:... Vua Lê Thánh Tông về Tây Kinh bái yết lăng miếu. Sau đó vua ngược dòng Lỗi Giang (sông Mã ngày nay) vào Tây Đô bái yết Nguyên miếu.. Như vậy rõ ràng Tây Kinh là Lam Kinh, còn Tây Đô là tên cũ để chỉ Tây Kinh có từ năm 1430.

   Đến cuối đời vua Lê Thánh Tông, năm 1480 lỵ sở của thừa Tuyên Thanh Hoá không còn ở Tây Đô nữa mà chuyển về Danh Xá ở hạ lưu Ngã Ba Đầu, hữu ngạn sông Mã (thuộc xã Thiệu Khánh, Thiệu Dương huyện Đông Sơn). Thành Tây Đô chỉ còn là một lỵ sở nhỏ của địa phương, ít được nhắc đến. Cho đến thế kỷ XVI với sự kiện vua Lê Tương Dực về họp quân ở Tây Đô để chống lại Lê Uy Mục ở Đông Kinh, thì vị trí của Tây Đô mới được nổi lên.

    Đến năm 1533, Thái sư Tĩnh quốc công Nguyễn Kim lập vua Lê Trang Tông để chống với tập đoàn Mạc Đăng Dung ở Đông Kinh cướp ngôi nhà Lê, thành Tây Đô trở thành một trung tâm chính trị, quân sự quan trọng. Mặc dù các vua Lê Trung Hưng lúc ban đầu đều có hành tại, coi kinh đô dã chiến ở Yên Trường - Vạn Lại (xã Thọ Minh huyện Thọ Xuân ngày nay), nhưng vẫn lấy Tây Đô như một kinh đô khi cần thiết. Trong các sách sử còn gọi nơi đây là Tây Việt Kinh để phân biệt với Đông Việt Kinh của triều Mạc ở Đông kinh lấy giới hạn núi Tam Điệp làm mốc. Vua Lê Trang Tông, và sau này là vua Lê Trung Tông nhiều lần có mặt ở Tây Đô để họp mặt với quần thần, tướng sĩ. Có lúc ở tại thành Tây Đô mở khoa thi hương để tuyển chọn nhân tài cho triều Lê Trung Hưng. Riêng về mặt quân sự, Thành Tây Đô nhiều lần là mục tiêu tấn công ác liệt của các đạo quân Mạc từ Bắc đánh vào. Đồng thời đây cũng là nơi hội quân lớn của tướng nhà Lê là Trịnh Kiểm và sau này là Trịnh Tùng để chia quân ra Bắc đánh Mạc. Trong 60 năm Lê - Mạc phân tranh, thành Tây Đô tắm mình trong khói lửa chiến tranh ác liệt.

   Đến đầu thế kỷ XVII, Lê - Trịnh đánh thắng họ Mạc, kinh thành Thăng Long lại thành kinh đô của nhà Lê Trung Hưng, nạn binh lửa chấm dứt. Thành Tây Đô không còn là vị trí quan trọng, lùi dần vào vị trí một sở lỵ nhỏ của địa phương, và cuối cùng trở thành một cổ thành chống rỗng với những tường thành, cổng thành bằng đá.

 6. Tên là Thạch Thành.
   Tên này xuất hiện trong bài “Việt thông khảo tổng luận” của tiến sĩ Lê Tung, Lễ bộ Thượng thư, Đông các Đại học sĩ, tế tửu Quốc tử giám đời vua Lê Tương Dực (1514), in trong Đại Việt sử ký toàn thư: (Vua Thuận Tông, đời Trần) theo lệnh quyền thần, ngồi gĩư ngôi không, công việc ở Kim Âu chưa xong, yến tiệc ở Thạch Thành đương nồng mà các công hầu bị mất... Mấy câu này là Lê Tung chỉ sự kiện vua Trần Thuận Tông nhường ngôi cho Thái Tử An ở Đại Lại, Hoàng Thái tử An lên ngôi vua ở Tây Đô, và sự kiện hội thề Đốn Sơn với cái chết của Trần Khát Chân và đồng sự...

   Hai từ Thạch Thành rõ ràng là chỉ thành đá An Tôn, không liên quan gì với địa danh của huyện Thạch Thành, lúc đó có lẽ mới có tên là Quảng Bình, hoặc Quảng Tế (?), sau này là Quảng Địa, rồi mới là Thạch Thành.

 7. Tên là thành Tây Nhai, Tây Giai.
   Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh thắng triều Tây Sơn, thống nhất Nam - Bắc, lập nên triều Nguyễn, lên ngôi vua, đặt niên hiệu là Gia Long, đặt quốc hiệu là Việt Nam, đóng đô ở Phú Xuân (Huế ngày nay).

   Nhiều địa danh tỉnh, huyện, thành, lỵ sở ở thời ấy được thay đổi để phù hợp với chính trị của triều Nguyễn. Thành Thăng Long - Đông Kinh có tên gọi từ nhiều thế kỷ được đổi tên thành trấn Bắc Thành, đến năm 1821, được đặt tên là tỉnh Hà Nội. Cũng theo luật đó, không còn tên Tây Đô, Tây Kinh gì nữa đối với thành An Tôn có từ năm 1397. Thành cổ này được mang tên của một làng ở cửa phía Tây thành là thành Tây Nhai. Tên thành Tây Nhai có từ đó. Đến thời vua Thành Thái thì từ Nhai của làng Tây Nhai, Xuân Nhai ở gần thành lại có tên là Tây Giai.

   8. Tên Thành Nhà Hồ.
   Tên Thành Nhà Hồ mới có từ sau Cách mạng tháng Tám, sau khi có nhận thức đúng đắn về các triều đại phong kiến và triều Hồ được coi như một triều đại chính thống trong lịch sử.

   Dưới các triều Lê, Nguyễn, các vua Hồ bị coi như kẻ thoán nghịch, nên quốc đô cũ còn lại di tích không được gọi tên theo kẻ thoán nghịch.

   Thực ra tên Thành Nhà Hồ đã được các nhà nghiên cứu sử và khảo cổ học người Pháp gọi như vậy từ trước Cách mạng tháng Tám với các từ tiếng Pháp “Citadelle des Hồ”, nhưng đều có chú thích thêm là thành Tây Đô (hoặc Tây Nhai).

   Trong khoảng 100 năm gần đây là phế tích lịch sử, toà thành đã có nhiều tên, và hiện nay gọi là Thành Nhà Hồ cũng có nhiều sự kiện lịch sử gắn với toà thành đó cần được lưu ý.

   Trong những năm 1936 - 1939, có phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, đã có cuộc mít tinh treo cờ đỏ búa liềm kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5, ở cửa Bắc, do các chiến sĩ cách mạng ở Vĩnh Lộc Thực hiện.

   Tháng 9 và 10/1941, cuộc chiến đấu ở chiến khu Ngọc Trạo (Thạch Thành) tan vỡ, các chiến sĩ Ngọc Trạo đã rút về làng Cẩm Bào ở phía cửa bắc thành để củng cố lực lượng, chuẩn bị cho các cuộc chiến đấu tiếp theo.

   Tháng 3/1945, có cuộc mít tinh của hàng ngàn nhân dân các tổng Cao Mật, Bỉnh Bút, Hồ Nam và một phần tổng Sóc Sơn tại chợ Tây ở phía cửa Tây thành đá để ủng hộ Việt Minh, nghe đại biểu Việt Minh giới thiệu Điều lệ cứu quốc và chuẩn bị việc tổng khởi nghĩa đánh đổ Nhật - Pháp, biểu dương lực lượng cách mạng của quần chúng.

   Sau ngày 19 -12 - 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chống Pháp bùng nổ, nhân dân ở thủ đô Hà Nội và các tỉnh khu III (đồng bằng Bắc Bộ) tản cư vào Thanh Hoá để tham gia kháng chiến. Một khu phố được mọc lên ở hai bên đường cái lớn từ cửa Nam Thành Nhà Hồ đến núi Đún (Đốn Sơn), dân địa phương gọi là phố Mới. Khu phố này là nơi buôn bán và cư trú tạm thời của người tản cư, bán đủ thứ hàng. Mãi đến năm 1954, cuộc kháng chiến chống pháp thắng lợi, khu phố mới giải tán.

   KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ

  Thành Nhà Hồ đã có hơn sáu trăm năm lịch sử và đang là niềm tự hào của dân tộc về một công trình kiến trúc vĩ đại do tài năng sáng tạo, sức lao động tuyệt vời và cả sự hy sinh xương máu to lớn của tổ tiên ta xây dựng nên. Qua 4000 năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã lập nên nhiều quốc đô, xây dựng nhiều thành trì, nhưng di tích còn lại không được nhiều.

   Cho nên việc giữ gìn được nguyên dạng, đi đôi với tôn tạo cho xứng đáng với tầm vóc của một tòa thành đá vĩ đại như Thành Nhà Hồ đang là niềm mong ước của đông đảo nhân dân ta.

   Bây giờ để bảo vệ tốt Thành Nhà Hồ, thiết tưởng nên lấy kinh nghiệm cũ của nhân dân địa phương, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “luật nước kết hợp chặt chẽ với lệ làng” (quy ước nông thôn + tập quán địa phương), phát động rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ di tích lịch sử. Đó không chỉ là trách nhiệm đối với ông cha ta xưa trong việc giữ gìn một báu vật của tổ tiên để lại, mà còn là trách nhiệm truyền đạt lại cho các thế hệ mai sau một truyền thống tốt đẹp, để con cháu hiểu biết về quá khứ dân tộc, việc làm của tổ tiên xưa

   Năm 1400, nhà thơ Nguyễn Mộng Trang, quê làng Viện Kê, huyện Đông Sơn, Thanh Hoá theo vua Hậu Trần Giản Định chống giặc Minh, một ngày nọ đi ngựa đến viếng toà thành cổ, đau xót trước cảnh đổ nát của một vương triều và cảnh đổ nát của một kinh thành đã làm bài thơ “Tây Đô thành” với câu kết:

              Như hà tá đắc Đinh Công hạc
              Lục hợp cao trường thí nhất minh

             (Ước gì mượn được chim hạc Đinh Công.
              Bay liệng trên sáu cõi, thử kêu một tiếng).
 Chung niềm hoài cảm với Nguyễn Mộng Trang noi gương người xưa, không giám mượn chim hạc Đinh Công, xin mượn bài viêt này góp một tiếng nói “kêu một tiếng!”.


(Theo thanhnhaho.vn)

No comments:

Post a Comment