Menu

Wednesday, June 27, 2012

Khai quật nghiên cứu đường Hoàng Gia khu vực cửa Nam - Di sản thế giới Thành Nhà Hồ


So với các thành cổ Việt Nam, con đường Hoàng Gia bước đầu xuất lộ có cấu trúc đá khá độc đáo, minh chứng cho công sức lớn lao của nhân dân Việt Nam dưới triều đại nhà Hồ. Nếu như ở thời nhà Trần con đường Hoa Chanh là một đặc trưng, thể hiện sự tinh tế, nghệ thuật thì với nhà Hồ sân nền và đường đá thể hiện một sự cách mạng về khoa học kỹ thuật xây dựng.

     Thực hiện Quyết định số 3247/QĐ-BVHTTDL ngày 13/10/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc khai quật khảo cổ, nghiên cứu đường Hòe Nhai (đường Hoàng Gia) thuộc khu vực cửa Nam - Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa; Đồng thời, thực hiện Quyết định số 3691/QĐ-UBND, ngày 09/11/2011 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá về việc phê duyệt Dự án: Khai quật khảo cổ học đường Hoàng Gia tại khu vực cửa Nam, Thành Nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc. Từ ngày 14/12/2011, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã phối hợp với Viện khảo cổ tiến hành khai quật nghiên cứu đường Hoàng Gia tại khu vực cửa Nam Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ với diện tích 1.500m2.            
 

     Đường Hòe Nhai chính là con đường Hoàng Gia của kinh thành Tây Đô đã được khai quật xuất lộ một đoạn trước cửa Nam Thành Nhà Hồ trong cuộc khai quật thám sát năm 2008. Đường có chiều rộng 4,8m, toàn bộ nền đường được đầm lót bằng lớp đất sét trộn sỏi, đá dăm, trên mặt được lát bằng những tấm đá có kích thước rất lớn, có những tấm kích thước dài gần 3m, rộng hơn 1m, dày 7-10cm, hai bên đường bó vỉa bởi hai hàng đá khối dày và chắc chắn.  
 
     So với các thành cổ Việt Nam, con đường Hoàng Gia bước đầu xuất lộ có cấu trúc đá khá độc đáo, minh chứng cho công sức lớn lao của nhân dân Việt Nam dưới triều đại nhà Hồ. Nếu như ở thời nhà Trần con đường Hoa Chanh là một đặc trưng, thể hiện sự tinh tế, nghệ thuật thì với nhà Hồ sân nền và đường đá thể hiện một sự cách mạng về khoa học kỹ thuật xây dựng.
     Ngoài ra, trong quá trình khai quật các nhà khảo cổ còn phát hiện ra tuyến phòng thủ hình bán nguyệt được xây dựng bằng đá trước cửa Nam Thành Nhà Hồ của nhà Lê. Điều đó khẳng định thêm tính chất quân sự quan trọng của Thành Nhà Hồ trong các thời kỳ lịch sử của dân tộc.
 
    Đặc biệt việc khai quật nghiên cứu con đường này chứng minh ghi chép của thư tịch cổ đây là con đường chính đạo của Kinh thành và cũng là con đường để nhà vua đi tế Giao ở núi Đốn Sơn. Đồng thời, đường Hoàng gia là một loại hình di tích đặc biệt quan trọng trong cấu trúc tổng thể của kinh đô cổ Việt Nam nói riêng, kinh đô cổ phương Đông nói chung. Đó là trục đường trung tâm dành cho nhà vua. Chính trục đường này sẽ tạo nên bố cục tổng thể của kinh thành. Do đó việc nghiên cứu con đường này sẽ mở ra hướng nghiên cứu mở rộng trong tương lai để tìm hiểu toàn bộ cấu trúc của Kinh thành. 
 
   Do tính chất quan trọng của con đường này nên ICOMOS và Ủy ban Di sản Thế giới (WHC) yêu cầu Việt Nam cam kết đưa toàn bộ con đường này vào vùng đề cử. Đồng thời, việc tiếp tục nghiên cứu mở rộng làm rõ con đường này cũng là thực hiện Cam kết số 3584/UBND-VX, ngày 13/6/2011 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa với ICOMOS và Ủy ban Di sản thế giới và đặc biệt là nhằm phát huy giá trị du lịch và phục vụ công tác chuẩn bị cho việc đón bằng Di sản Thế giới Thành Nhà Hồ vào tháng 6/2012.

Trương Hoài Nam

nguồn:  http://svhttdl.thanhhoa.gov.vn

No comments:

Post a Comment