Menu

Thursday, October 11, 2012

Thành nhà Hồ: Tiềm năng di sản và du lịch


Thế là Thanh Hóa đã chính thức có một di sản thế giới. Mừng đấy nhưng cũng lo đấy, vì rằng gìn giữ và khai thác thành nhà Hồ như thế nào cho đúng tầm mức quả là một bài toán chẳng dễ chút nào.


Trong 5 di sản văn hóa thế giới của nước ta được UNESCO công nhận thì thành nhà Hồ là di sản được công nhận gần đây nhất, ngày 27 tháng 6 năm 2011. Cũng vì là sự kiện này trong dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, sáng 22 tháng 11, ngay dưới chân thành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã cùng Liên chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh tổ chức rầm rộ lễ hội. Chưa bao giờ thành nhà Hồ lại được đón tiếp các nhà văn hóa, các phóng viên báo chí đến dự với số lượng đông đảo đến thế. Nhiều gia tộc họ Hồ khắp nước cũng cử đại diện đến thắp hương tưởng nhớ.


Mở đầu là lễ tế cáo Hoàng đế Hồ Quý Ly của Vương triều Hồ, sau đó còn một số hoạt động đáng nhớ khác như giao lưu ẩm thực chợ quê với nhiều món quà đặc sản của các vùng xứ Thanh, chương trình văn nghệ “Vũ điệu trống đồng”, “Hò chèo thuyền”, “Lễ ban lệnh Hoàng đế cho các phường đúc súng thần công”. Điểm nhấn của lễ hội chính là hội thi đúc súng của các phường đúc xứ Thanh nổi lửa lò ngay tại chân thành nhà Hồ.
 Nhân dịp này, chúng ta cũng cần thêm một lần nữa đánh giá lại ngôi thành đá độc đáo nhất Đông Nam Á này, nhất là dưới ánh sáng của các tư liệu mới mà khảo cổ học vừa thu hoạch được.

Theo “Đại Việt Sử ký toàn thư” (còn gọi là Toàn Thư), thì thành được xây vào cuối thời Trần, năm Quang Thái thứ 10, dưới triều Vua Trần Nhuận Tông (1397), tức là cách đây đúng 614 năm. Khi đó người tổ chức xây thành là Hồ Quý Ly, người mà sau đó vài năm làm vua. Việc xây thành kéo dài trong vòng có 3 tháng (từ tháng Giêng đến tháng Ba năm Đinh Sửu). Quả là với tốc độ xây thành đó thì ít vương triều nào có được.

Không chỉ có tốc độ xây thành vào hàng kỷ lục mà kỹ thuật xây thành cũng đáng để người thời sau thán phục: những phiến đá xanh hình khối chữ nhật, kích thước khá lớn, nặng trung bình từ 10 đến 20 tấn. Các khối đá được xếp lên nhau mà không cần vôi vữa kết dính. Thành có hình dáng gần vuông, mỗi cạnh dài gần 900 mét. Các đoạn tường thành được xếp 7 hàng đá, có 5 hàng nổi và 2 hàng chìm dưới đất để làm móng. Cái đẹp về mặt kiến trúc chính là ở các cổng thành còn nguyên vẹn, “trơ gan cùng tuế nguyệt” suốt hơn 6 thế kỷ. Các cổng bắc, đông, tây đều có 1 cổng hình vòm cuốn. Nhưng cổng nam thì lại có tới 3 cổng và vì thế là cổng đẹp nhất.
Mảnh vật liệu trang trí hình rồng khai quật được trong thành nhà Hồ. Ảnh: T.S


Tại sao Hồ Quý Ly lại chọn cổng nam là cổng chính? Có lẽ, điều này được giải thích nếu như ta tra lại vài dòng trong Toàn Thư: “Ngoài thành, ở núi Đốn Sơn (mà dân gian gọi là núi Đụn) có dựng đàn Nam Giao. Vua thường đến tế lễ ở đấy, vì thế mà cổng phía nam nối với đàn Nam Giao sẽ là trục chính so với 3 cổng còn lại. Thêm nữa, nếu xét theo bình đồ thì thành cũng không xây chính hướng bắc, mà có sự lệch vài chục độ”.

Phải chăng, nhà Hồ muốn thoát ra khỏi khuôn mẫu xây thành kiểu phương Bắc, muốn có sự cải cách từ việc xây thành, việc in tiền giấy, chế độ hạn điền... với một sự tự tôn dân tộc. Năm 2008, các nhà khảo cổ học đã khai quật đàn Nam Giao, đã tìm thấy di tích đàn tế và các vật liệu kiến trúc liên quan cũng như cả con đường lát đá Hoa Nhai nối từ cổng thành phía nam y như sử sách đã ghi lại. Ngay từ năm 2004, các nhà khảo cổ Việt Nam đã cùng các nhà khảo cổ học Nhật Bản tìm được khá nhiều vết tích bên trong thành nhà Hồ như nền gạch lát, chân tảng đá chạm cánh sen, gạch, ngói, đinh thuyền, gốm sứ.

Khảo cổ học cũng tìm được nhiều viên đạn đá minh chứng cho thư tịch cổ nói đến việc nhà Hồ đã chế được súng thần công, tìm được 2 con rồng đá thành bậc, vốn là một phần của cung điện Hoàng Nguyên triều Hồ. Những lỗ cột trên thành đá là dấu tích của vọng lâu một thời cũng đã cho thấy kết cấu của thành còn bề thế hơn nhiều những gì còn lại: những vọng lâu bằng các chất liệu hữu cơ nay bị hủy hoại bởi thời gian, nhưng không phải không phục dựng được. Rồi đây, những cung, điện, miếu thờ như điện Hoàng Nguyên, cung Nhân Thọ, cung Phù Dực, Đông Cung, Thái Miếu... sẽ dần sáng tỏ khi khảo cổ học tìm được vết tích và phục dựng.

Một câu hỏi mà qua hàng trăm năm chưa có lời giải đáp: những đá khối xây thành nhà Hồ lấy từ núi nào trong nhiều ngọn núi trập trùng miền tây xứ Thanh và chúng được vận chuyển bằng cách nào: đường sông hay sức voi kéo? Vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng, mặc dù mới đây có ý kiến cho rằng đá lấy từ núi An Tôn cách thành gần 2km rồi chuyển bằng đường sông Mã. Nhưng cũng mới chỉ là giả định. Cũng vậy, với 3 tháng mà xây được một tòa thành hùng vĩ nhường vậy? Đã đành huy động sức dân là vô tận trong bối cảnh ngoại xâm đang rình rập. Nhưng theo chúng tôi, có lẽ 3 tháng chỉ là một giai đoạn nền tảng.

Sau đó, thành lại được đắp thêm và tu bổ, nếu như ta giở lại Toàn Thư có đoạn nói rằng: Năm Tân Tỵ, 1401, “Hán Thương hạ lệnh cho các lộ nung gạch để dùng vào việc xây thành. Trước đây, xây thành Tây Đô, tải nhiều đá tới xây, ít lâu sau lại bị sụp đổ, đến đây mới xây trên bằng gạch, dưới bằng đá”. Vậy là thành nhà Hồ đang hiện diện phải là thành được tu bổ lần hai, sau khi khởi công đã 4 năm thì có một cuộc xây lại, chắc chắn hơn. Điều lý thú là khảo cổ học tìm được hàng loạt viên gạch khắc chữ của các lộ này trong lòng đất, còn ghi xuất xứ: xã An Tôn Thượng, Kẻ Nưa Hạ, An Xá, Lâm Xuyên...

Thành nhà Hồ còn chất chứa bao bí ẩn lịch sử cần được giải mã. Thành được công nhận là Di sản Văn hóa nhân loại quả là một cú hích lớn cho xứ Thanh về du lịch. Tuy nhiên, cho đến tận hôm nay, dường như mọi chuyện vẫn ở bước khởi đầu: khách du lịch còn ít, khách nước ngoài hầu như chưa lai vãng. Ngay gần thành là thị trấn Vĩnh Lộc chỉ lèo tèo vài khách sạn, con đường nhựa chính dẫn vào cửa nam, vốn xưa là trục hoàng đạo, thì nay vẫn chẳng khác gì một con đường liên xã.

Di sản thường gắn kết như hình với bóng với du lịch, cứ xem Hội An, Mỹ Sơn và kinh thành Huế thì rõ, đã thành một tour du lịch nối cả 3 di sản gần nhau. Vậy lối ra nào cho việc khai thác du lịch thành nhà Hồ?

Theo chúng tôi, trước tiên phải có sản phẩm du lịch tốt. Thành nhà Hồ vốn đã hấp dẫn về mặt di sản. Nhưng hy vọng các công trình khảo cổ tương lai sẽ giúp phục dựng được các vọng lâu, một số đền đài, cung điện và xây dựng một bảo tàng trưng bày hiện vật lấy lên từ lòng đất thành cổ. Một số nghề thủ công đặc sắc của xứ Thanh như đúc trống đồng, đúc súng thần công cũng cần được tổ chức đúc tại chỗ phục vụ du khách. Bước đầu phục dựng nghề thủ công chế tác đá khối ở đây để tìm hiểu cách làm ra đá xây thành, du khách sẽ rất ấn tượng với cách thể hiện sống động các nghề thủ công truyền thống xứ Thanh.

Nhưng, có lẽ vẫn phải sớm hình thành các tour du lịch liên hợp. Du khách đến với xứ Thanh cần có tour khép kín một vòng từ bãi biển nổi tiếng Sầm Sơn, đến cầu Hàm Rồng huyền thoại, nơi phát tích chúa Trịnh, nhà Nguyễn rồi đến điểm nhấn là thành nhà Hồ.
 Chỉ dăm năm nữa khu vực thành nhà Hồ ắt hẳn sầm uất. Con đường du lịch-di sản đã có nhiều mô hình thành đạt ở trong và ngoài nước. Với thành nhà Hồ, vạn sự khởi đầu nan và cần đổ nhiều công sức hơn nữa cho du lịch của cả bộ máy chính quyền lẫn người dân một vùng quê đầy di tích lịch sử.

PGS.TS Trịnh Sinh

nguồn: http://laodong.com.vn/Lao-dong-cuoi-tuan/Thanh-nha-Ho-Tiem-nang-di-san-va-du-lich/52765.bld

No comments:

Post a Comment