TP - Từ Thành Hồ, tòa thành đá kỳ vĩ vừa được UNESCO xếp hạng là Di sản
văn hóa nhân loại xuôi theo đường 217 xuống mạn Nam hơn 10 km sẽ bắt gặp
một công trình độc đáo nữa của Hồ Quý Ly. Đó là Ly Cung. Ly Cung bây
giờ tàn tạ hoang phế nhưng có thời điểm Hồ Quý Ly định chọn là kinh đô
của triều Hồ?
Tên
gọi Ly Cung
Năm đã xa ấy cùng đoàn cán bộ Sở Văn hóa thông tin Thanh
Hóa về tham quan phế tích Ly Cung. Băn khoăn tên gọi Ly Cung thì được một vị
giải thích rằng Hồ Quý Ly thấy triều Trần đã đến hồi mục ruỗng có ý đồ đảo
chính để thay thế.
Động thái dời đô từ Thăng Long vào Tây Đô nói lên tư tưởng
ly khai. Sở dĩ có tên Ly Cung là thế! Nhưng một vị khác nhỏ nhẹ rằng không phải
vậy. Ly là quẻ Ly, đâu như quẻ thứ 30 trong Kinh Dịch, một trong tám quẻ của
bát quái.
Ly nghĩa là sáng chói, tỏa ra, phô trương ra ngoài. Ly là
mặt trời. Hồ Quý Ly đặt tên cho cung Bảo Thanh thuở ấy là Ly Cung bao hàm nghĩa
ấy!
Có vẻ như cách giải thích ấy thuận tai hơn? Sau này hỏi lại
nhà sử học Trần Quốc Vượng, ông cũng nói na ná thế.
Đặc biệt ông còn nói thêm, Hồ Quý Ly có tư chất của một bậc
vĩ nhân, một đại nhân! Rằng quẻ Ly là mặt trời, khí hoả. Dịch - Ly quái - tượng
cũng viết: “Đại nhân tiếp tục chiếu sáng bốn phương”.
Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Quý Ly đặt tên cho cung Bảo
Thanh ở đất Kim Âu xứ Thanh quê mình là Ly Cung. Nhưng những vĩ nhân đại nhân
có tính khí này dễ tự cao huênh hoang, kiêu ngạo, hiếu chiến!
Từng định
là kinh đô mới triều Hồ
Xin trở lại với những dè bỉu của người đời về địa thế Thành
Hồ Tây Đô thủ đô mới của Hồ
Quý Ly.
Tây Đô có hình sông thế núi khá hiểm yếu được án ngữ bốn
mặt bằng bốn quả núi lớn: phía bắc có núi Thổ Tượng, phía đông có núi Hắc
Khuyển, phía tây có núi Ngưu Ngọa, và phía nam có núi Đốn Sơn.
Ngoài những bức bình phong tự nhiên như vậy, Tây Đô còn
được che chắn bởi những dòng sông. Sông Bưởi từ phía đông chảy tới hội tụ với
sông Mã từ phía tây chảy qua. Từ Tây Đô thời đó lại có thể xuống Ly Cung theo
đường sông.
Thế hiểm của Tây Đô còn được bổ sung bởi con đường bộ quan
trọng. Từ Tây Đô, ngược lên phía bắc qua Eo Lê có thể nối tiếp với đường thượng
đạo duy nhất trong nhiều thế kỷ thời trung đại ở mạn Thạch Thành, Nho Quan.
Đây chính là con
đường mà năm 1402 con trai Hồ Quý Ly là Hồ Hán Thương đã sai sửa chữa phố xá và
trạm chạy giấy gọi là đường thiên lý như Toàn
thư đã nói.
Mà cũng tình cờ, thứ được coi là đắc địa ấy nhiều trăm năm
sau hậu duệ Đại Việt đã mở con đường Hồ Chí Minh xuyên Việt nhằm giảm tải cho
con đường số I vốn đã xộc xệch cũ nát!
Thời thuộc Minh, Tây Đô là một cứ điểm quan trọng để quân
Minh dòm ngó lẫn bành trướng cả một vùng mênh mông Hoan Châu. Giải phóng Tây
Đô, quân của Bình Định Vương Lê Lợi đã xoay chuyển cả một cục diện chiến lược.
Thời Trịnh Mạc, Thành Hồ Tây Đô cũng là cứ điểm hiểm yếu của quân Lê Trịnh
vv...
Ly cung được xây dựng chính xác vào thời gian nào, trong
bao lâu chưa thấy chính sử biên chép cụ thể?
Nhưng dứt khoát phải trước thời điểm xây dựng Thành Hồ Tây
Đô. Từng là một đại thần quan trọng trong nhiều năm của vương triều Trần, Hồ
Quý Ly như một thứ trụ cột rường đống để cứu vãn xã tắc Đại Việt cuối Trần
thoát khỏi tình trạng suy thoái mục ruỗng.
Chính sử cũng nói rõ dưới thời các vua Duệ Tông, Phế Đế,
Thuận Tông, Thiếu Đế, những
việc quan trọng hầu như đều một tay Hồ Quý Ly định đoạt.
Chính thượng hoàng
Trần Nghệ Tông, năm 1394 đã từng nói với Hồ Quý Ly: “nhà ngươi là người họ
thân, công việc trong nước đều giao cho cả. Nay thế nước suy yếu, ta đã già
yếu, sau khi ta chết rồi, quan gia đáng giúp thì giúp, ngu tối thì người tự lấy
lấy nước”
Để lấy lấy nước, việc đầu tiên có lẽ Hồ Quý Ly nghĩ ngay
đến việc dựng nghiệp đế tại một vùng đất mới. Hồ Quý Ly cho xây dựng Cung Bảo
Thanh tức Ly Cung sớm hơn Thành Hồ khoảng 1,2 năm?
(Thành Hồ được xây vào năm 1397 như Toàn thư chép rõ) Quyết
định bạo liệt của vị đại thần nhà Trần này dường như đã huy động tuyệt đối tài
trí vật lực Đại Việt khi ấy vào việc xây dựng Ly Cung (cũng như Thành Hồ ngay
sau đó) Có lẽ những hiệp thợ khéo nhất Đại Việt đã được huy động.
Mà rất có thể, Hồ
Quý Ly đã hạ quyết tâm định đô tại Ly Cung này? Bằng cớ là “làm cung Bảo
Thanh ở tây nam núi Đại Lại, mời vua đến ở đấy”. (Toàn thư trg 223) Nhưng
vốn là kẻ tài trí, Ly Cung xây xong (hoặc có thể sắp xong?) Hồ Quý Ly đã chợt
nhận ra thể tuyệt địa của kinh đô mới?
Vị trí của Ly Cung nằm trong thế tay ngai của một hệ thống
đồi, núi, cao nhất là núi Ca Để (350m). Trước mặt là sông Lèn (đoạn chảy qua
vùng này trước đây có tên là sông Đại Lại), gặp sông Mã ở phía tây và chảy qua biển
ở cửa Thần Phù.
Xa hơn, chừng hơn 10km ở mạn bắc là hệ thống núi đá vôi Tam
Điệp, cửa ngõ của xứ Thanh thời bấy giờ. Từ cửa bắc muốn vào nam qua chặng này
bằng đường bộ không còn cách gì khác là len lỏi qua những đèo, những thung...
Từ Ly Cung, muốn ngược lên phía tây chỉ có thể đi bằng
đường thủy theo sông Lèn hoặc sông Đào.
Với một vị trí địa lý như vậy, cho dù có ý đồ phòng thủ chủ
động đến mấy, Hồ Quý Ly vẫn phải tính đến tình huống xấu nhất: đó là con đường
rút lui khi cần.
Và như vậy có thể đồng thời là sau Ly Cung một chút, Thành
Hồ (cách Ly Cung chỉ hơn 10km) kinh đô của Đại Ngu đã được gấp rút xây dựng chỉ
trong ba tháng như chính sử đã ghi nhận. Một công trình độc đáo để lại bao ngẩn
ngơ cho hậu thế!
Tôi bệt xuống đám cỏ may hung đỏ trên nền Ly Cung. Bên cạnh
lăn lóc những khúc cột đá vỡ nham nhở và lác đác những thớt đá kê tảng. Chưa
cần phải con mắt kiến trúc đo đạc, chỉ ước lượng cùng phỏng đoán, những cột lim
kê trên nền cột tảng kia mới hoàng tráng làm sao.
Phải gần Tày ôm chứ chẳng ít. Cột ấy mới có sức đỡ những xà
đá, gỗ vậm vạp. hồi sáng nhớ có hầu chuyện mấy cụ cao niên của xã Hà Đông này,
các cụ còn cho biết cái năm xa chưa hợp tác hóa ấy người ta đã phát hiện ra một
bè gỗ lim hàng mấy trăm cây kẹt cứng tại khúc sông Đại Lại bị lấp vùi.
Bè lim ấy dùng để xây Ly Cung chưa hết hay được điều gấp về
xây Thành Hồ? Chao ôi những tòa ngang dẫy dọc của Cung Bảo Thanh của Ly Cung
tan hoang từ thời nào và ai phá?
Cũng cảm thông với nhà nước mình kẹt vốn nhưng đã hào phóng
công nhận Ly Cung là Di tích lịch sử quốc gia. Bởi kẹt vốn nên đành để Ly Cung
dằng dặc phế tích cây dại trùm lấp trên cái nền Ly Cung hơn 4 ha này.
Bởi kẹt vốn nên chính giữa nền Ly Cung đành khiêm tốn làm
tạm cái nhà bia để che chắn bảo quản tấm bia đá ghi chép về cảnh đẹp của Ly
Cung.
Tôi lại bệt xuống nền nhà bia không phải để tường thêm về
những hàng chữ đã mờ nhòe. Mà chỉ để cảm thêm cái thời ông vua Lê Tương Dực
(gọi vua Lê Thánh Tông bằng ông nội) Ly Cung chắc chắn chưa bị bằng địa?
Ly Cung thuở ấy chắc chưa tang thương hồn thu thảo bóng
tịch dương? Bằng có là Ly Cung mới là cũ chứ chưa nát thì vua Lê Tương Dực mới
chép như thế chứ ông vua này chẳng thể sáng tác bịa tạc.
Trên bia còn rờ rỡ hàng chữ sắc nét ghi lại thời điểm vua
Lê Tương Dực đề bia Hồng thuận tam niên nhị nguyệt nhị thập ngũ nhật (ngày 25
tháng 2 năm Hồng Thuận thứ 3, tức năm 1510).
Sử sách đã chép về ông vua khốn khổ khốn nạn này từng bạo
gan xây cửu trùng đài với cả cái chết không toàn thây. Vị vua cũng 7 năm làm
vua bằng đúng số năm Hồ Quý Ly làm vua nước Đại Ngu!
Thế mà bao lạ thay với khác thay. Nhưng có lẽ lịch sử cũng
nên công bằng, nếu không có tấm bia về Ly Cung này thì có lẽ hậu thế chắc nhiều
khiếm khuyết mỗi khi hình dung huân nghiệp của Hồ Quý Ly?
Chớm Thanh minh năm Nhâm Thìn
Ghi chép của
Xuân Ba
Xuân Ba
nguồn: http://www.hohovietnam.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=407
No comments:
Post a Comment