(THO) - Từ năm 1370, Hồ Quý Ly với tư cách là cháu ngoại vua
Trần Nghệ tông đã vươn lên khẳng định vị thế mới của mình bằng hàng
loạt hoạt động trấn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân và gia nô. Sau
khoảng 20 năm, trải qua 4 đời vua, vị thế của Hồ Quý Ly đã lên đến tột
đỉnh “dưới một người, trên muôn vạn người”.
Một
sự kiện quan trọng đánh dấu bước đường hoạt động chính trị của Hồ Quý
Ly là ông quyết định dời đô vào Thanh Hóa. “Năm Đinh Sửu (1397), mùa
xuân tháng giêng, sai Lại bộ thượng thư kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tĩnh đi xem
đất ở động An Tôn, phủ Thanh Hóa, đắp thành đào hào, lập nhà tông miếu,
dựng dần xã tắc, mở đường phố, có ý muốn dời đô đến đó, tháng ba thì
công việc hoàn tất” (Đại Việt sử ký toàn thư, q.III, tr 28b).
Như vậy, ý đồ thay ngôi nhà Trần của Hồ Quý Ly đã có từ sớm. Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc thay đổi ngôi đó, Hồ Quý Ly cho xây dựng kinh đô mới ở Thanh Hóa gọi là thành Tây Đô. Sự kiện này được ghi lại trong chính sử như sau: “Năm Đinh Sửu (1397), mùa xuân, tháng hai, Quý Ly bức vua dời kinh đô đến phủ Thanh Hóa” (Đại Việt sử ký toàn thư, q.VIII, tr 31a). Và bước tiếp theo, Hồ Quý Ly đi đến quyết định: thoán ngôi. Năm Canh Thìn (1400) tháng 2 ngày 28, Quý Ly bức vua nhường ngôi và buộc người tôn thất và các quan ba lần dâng biểu khuyên lên ngôi. Quý Ly giả vờ cố tình từ chối nói: “Ta sắp xuống lỗ đến nơi rồi, còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế dưới đất nữa”. Rồi tự lập làm vua, đặt niên hiệu là Thánh Nguyên, quốc hiệu là Đại Ngu, đổi thành họ Hồ (theo Đại Việt sử ký toàn thư). Cũng từ đây, Tây Đô trở thành quốc đô của nước Đại Ngu trong suốt quá trình tồn tại ngắn ngủi của Vương triều Hồ (1400 – 1407).
Mặc dù số phận rất ngắn ngủi nhưng vương triều Hồ đã kịp để lại ba di tích lịch sử quan trọng là: Thành Nhà Hồ, Đàn tế Nam Giao và Ly Cung. Cả ba công trình quan trọng này đều thuộc địa phận Vĩnh Ninh, trấn Thanh Đô. Về cơ bản, địa danh Vĩnh Ninh có địa giới tương tự như huyện Vĩnh Lộc và một phần huyện Hà Trung ngày nay.
Thành Nhà Hồ được xây dựng năm 1397. Thành bao gồm 3 bộ phận: La thành, Hào thành, Hoàng thành. La thành là vòng ngoài cùng dài chừng 10 km, chạy từ chân núi Đún đến sát dãy hang Ma đồi Cốc, có dạng hình thang với chiều cao gần 4 m, chiều rộng thành khoảng 20m. Chu vi La thành khoảng 40 km. Về cấu trúc, thành được đắp bằng đất đào ở hai bên, một số điểm có trộn thêm đất núi và sạn sỏi. Phía ngoài lũy đất La thành người ta trồng tre gai dày đặc. Hào thành được đào bao bọc quanh Hoàng thành, cách chân thành đá theo các hướng khoảng 50 m. Hào rộng khoảng 12m đến 15 m, để đi vào thành người ta đã xây các cầu đá qua các hào. Hào thành là công trình có nhiệm vụ bảo vệ nội thành. Hoàng thành bao bọc bởi bốn bức tường bên trong bằng đất, bên ngoài bằng đá. Hoàng thành được xây dựng trên bình đồ gần vuông. Hai mặt Đông – Tây dài 883,5 m; hai mặt Nam – Bắc dài 870,5 m. Thành có chu vi 3.508 m có diện tích 769.086 m2. Tường cao trung bình 5- 6 m, đoạn cổng phía Nam cao hơn 10 m. Các phiến đá xây thành đẽo gọt công phu, có những phiến đá với khối lượng khoảng 4 m3 và trọng lượng khoảng 10 tấn. Cá biệt ở cổng Tây có khối đá kích thước 4,2 x 1,7 x 1,5 m với khối lượng khoảng 10,7 m3 và trọng lượng khoảng 26,7 tấn. Tổng khối lượng đá dùng để xây thành lên đến 24.000 m3.
Thành Nhà Hồ có 4 cổng, các cổng nằm chính giữa các cạnh Nam, Bắc, Đông, Tây. Nhân dân hay gọi là cửa Tiền, cửa Hậu, cửa Hữu, cửa Tả (trong đó cổng Nam lệch 12° Nam).
Cổng Nam giáp làng Xuân Giai của xã Vĩnh Tiến, có chiều rộng 34,85 m, chiều cao đến mắt thành còn lại 10,38 m, sâu 15,2 m, được xây nhô ra tường thành 4,1m. Cổng Nam bao gồm 3 vòm cuốn theo kiểu tam quan, cửa giữa rộng 5,8 m; cao 8,35 m. Hai cửa bên rộng 5,5 m; cao 7,8 m. Trên nóc cổng Nam được lát bằng đá phẳng tạo thành một mặt phẳng rộng 14m và dài 33m. Với các lỗ chôn cột, dấu vết của vọng lâu. Vọng lâu có chiều sâu 9 m, bề ngang 18 m, đây chắc chắn là công trình kiến trúc bề thế và khá đẹp.
Cổng Bắc thuộc địa phận xã Vĩnh Tiến, có bề ngang là 21,35 m, chiều cao còn lại đến mặt thành là 9,65m; chiều rộng cổng đá 13,35 m. Cổng Bắc có một lối vào xây theo cách cuốn vòm, chiều cao từ mặt đất đến mép vòm cổng đá là 7,65 m; rộng 5,8 m. Trên nóc cổng đá tạo một mặt phẳng rộng 12,7 m; dài 20,4 m với 20 lỗ chân cột tròn có đường kính trung bình 42-47 cm và được đục sâu xuống nền đá 40-50 cm. Đó là chân cột của một vọng lâu có 3 gian, 2 chái. Trên mặt cổng thành có hệ thống rãnh thoát nước, máng nước và lan can gỗ.
Cổng Đông giáp đất xã Vĩnh Long, rộng 23,3 m; chiều cao từ mặt đất đến mặt thành là 9,65 m; chiều sâu của cổng đá là 13,35 m. Cổng Bắc có một lối vào, xây theo cách xếp đá cuốn vòm rộng 5,7 m và chiều cao cổng vòm là 6,5 m.
Cổng Tây thuộc địa phận xã Vĩnh Tiến rộng 19,75 m, chiều cao từ mặt đất đến mặt thành là 8,3 m; chiều sâu là 13,3 m. Cổng Tây có một lối vào xây theo cách xếp đá cuốn vòm rộng 5,7m; chiều cao từ mặt đất đến vòm là 6,3 m.
Theo những người già trong vùng, trong 4 cổng Thành Nhà Hồ các cửa vòm cuốn được xây dựng bằng cách đắp đất thành hình vòm cửa, ghép những tảng đá hình nêm (tương tự như gạch xây múi bưởi) lên trên. Sau đó khi ghép xong các phiến đá thì moi đất ra. Khi đó trọng lượng các khối đá tạo ra lực hướng tâm rất lớn, ép các khối đá hình nêm lại với nhau khiến cho các vòm cuốn không sụp đổ mà ngày càng chắc chắn hơn.
Đất đắp trong thành đá lúc đầu khá cao, ngang với mặt thành đá, nhưng nay đã bị xói mòn chỉ còn cao khoảng 6-8 m, mặt thành rộng chừng 2-4 m, chân thành rộng chừng 15-17 m và thoai thoải xuống mặt nền. Việc đổ đất bên trong thành đất tạo cho thành thêm vững chắc. Các khối đá bên ngoài được tạo hình thang, khi ghép luôn có xu hướng ngã vào trong đã tạo ra mặt thành rộng hơn và dễ dàng khi lên xuống và dễ dàn quân trên đó để thủ thành. Lớp đất đắp thành gồm đất sét trộn lẫn sỏi và đá cuội nhỏ. Nhà khảo cổ học người Pháp Bezacier cho rằng, khối lượng đất đắp tường thành khoảng 80.000 m3.
Tường thành không những được xây bằng đá, bên trong đắp đất. Năm Tân Tỵ (1401) Hồ Hán Thương cho nung gạch xây cao thêm phần tường đá. Phần tường gạch này ngày nay không còn, tuy nhiên những viên gạch vẫn còn nằm rải rác trong các gia đình xung quanh thành.
Nối liền cổng Nam là con đường Hoa Nhai lát đá xanh dài 2,5 km hướng về núi Đốn Sơn nơi có Đàn tế Nam Giao, đã bị sập đổ hoàn toàn. Qua khai quật khảo cổ tháng 6 năm 2008, con đường Hoa Nhai được phát lộ nằm ở độ sâu khoảng 40-60 cm so với nền móng con đường hiện tại. Mặt đường còn khá nguyên vẹn với những tảng đá xanh lớn.
Nội Thành Nhà Hồ có diện tích 52,8 ha, hiện nay là những cánh đồng lúa và hoa màu. Những thửa ruộng với nhiều độ cao thấp khác nhau chính là dấu vết của các công trình kiến trúc xưa bị tiêu hủy. Rất nhiều vật liệu xây dựng như các loại gạch, ngói phong phú về kiểu dáng còn vùi trong lòng đất. Trong các cuộc khai quật khảo cổ các năm qua đã có nhiều di vật được phát hiện phản ánh các công trình kiến trúc xưa trong nội Thành Nhà Hồ. Trong thành nội có Điện Hoàng Nguyên, có Cung Nhân Thọ là nơi vua ngự triều và nơi ở của Hồ Quý Ly, có Đông cung, Tây Thái miếu, Đông Thái miếu, cung Phù Cực... Ở chính giữa thành, nơi giao điểm của 2 trục Đông Tây – Nam Bắc còn có đôi rồng đá với kích thước dài 1,8 m; cao 0,75 m; rộng 0,5 m mang phong cách rồng thời Trần, nhưng cả hai đều bị mất phần đầu.
Thành Tây Đô là trung tâm chính trị mấy năm cuối triều Trần và suốt triều Hồ. Là kinh đô, Tây Đô mang bộ mặt văn hóa, kinh tế của cả nước. Ngay từ đợt đầu khi Đỗ Tĩnh xây dựng gấp đã chú ý mở phố xá và đường ngõ. Khi khánh thành cho phép trai gái dạo chơi, ngắm cảnh ở cửa Nam suốt cả ngày.
Thành Tây Đô là một pháo đài, một kiến trúc quân sự phòng thủ kiên cố. Với tòa thành có bình đồ gần vuông, tường xây bằng đá cao 5, 6 mét, bên trong ốp đất, bên ngoài có hào sâu rộng, ra vào có 4 hệ thống cửa chính ở 4 mặt, khối cửa cao đến 10 mét, cửa có lắp cánh cửa kiên cố. Với vũ khí thế kỷ XIV, tấn công thành Tây Đô trong điều kiện bình thường không phải dễ.
Bên ngoài hoàng thành còn có la thành vừa lợi dụng thiên nhiên, vừa cải tạo thiên nhiên để bảo vệ từ xa. Năm 1399, Trần Ninh được lệnh đốc xuất người phủ Thanh Hóa trồng tre gai ở ba mặt Bắc, Tây và Nam vây bọc lấy la thành và ra lệnh bảo vệ chặt chẽ: ai lấy trộm măng sẽ bị xử tử.
Thành Nhà Hồ - công trình kiến trúc bằng đá đồ sộ, độc đáo về kỹ thuật, vĩ đại về quy mô, là công trình kỳ vĩ đặc sắc, kết tinh sức sáng tạo và hy sinh to lớn của ông cha để lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau một thành quả văn hóa đặc biệt được xem là biểu tượng “Vô tiền khoáng hậu” trong lịch sử xây dựng thành quách của nước ta. Thành Nhà Hồ được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới ngày 27-6-2011.
nguồn: http://baothanhhoa.vn/vn/van-hoa/n91692/Ho-Quy-Ly-va-su-ra-doi-Thanh-Nha-Ho
No comments:
Post a Comment